TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 25
5.1.11 Phải có đường ô tô rộng tối thiểu 6 m nối liền kho DM&SPDM với đường ô tô công cộng.
Trường hợp chiều dài quãng đường nổi trên 1 000 m thì được phép xây dựng đường ô tô rộng 3,5 m nhưng cứ 250 m phải có vị trí tránh xe với chiều rộng 6 m; chiều dài tối thiểu đảm bảo cho một xe ôtô xitec dài nhất vào khu vực tránh. Đối với đường cụt phải có điểm quay đầu cho xe chữa cháy.
5.1.12 Kho DM&SPDM phải có tường rào hoặc hàng rào bằng vật liệu không cháy với chiều cao ít nhất là 2 m. Khoảng cách từ các hạng mục công trình trong kho đến tường, hàng rào được quy định như sau:
- Công trình xuất nhập đường sắt cả 2 phía (tính từ cạnh gần nhất tới hàng rào): không nhỏ hơn 15 m.
- Các ngôi nhà và công trình không liên quan đến bảo quản, xuất nhập DM&SPDM phải cách tường, hàng rào ít nhất 5 m (trừ văn phòng điều hành, nhà và các công trình phụ trợ).
5.1.13 Kho cấp I và cấp II phải có ít nhất hai cổng thuận tiện cho ôtô ra vào và nối với đường ôtô công cộng hoặc nối với đường vào kho. Kho DM&SPDM cấp III được phép bố trí một cổng.
5.1.14 Đường ô tô chữa cháy phải bố trí vòng quanh khu bể chứa và tới sát các công trình liên quan đến xuất nhập, bảo quản DM&SPDM. Bề mặt của đường phải rộng ít nhất 3,5 m; lớp phủ mặt đường phải làm bằng vật liệu khó cháy.
Trường hợp khu bể bố trí một hàng, khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý về an toàn phòng cháy chữa cháy có thể bố trí đường ô tô một phía của khu bể, các phía còn lại phải có khoảng trống để đưa các phương tiện chữa cháy đến sát khu bể khi cần thiết. Trong trường hợp này tại điểm cuối của đường cụt phải bố trí diện tích quay xe chữa cháy.
5.2 Bể chứa dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ
5.2.1 Bể chứa DM&SPDM được chế tạo bằng vật liệu không cháy và phải phù hợp với tính chất của loại sản phẩm chứa trong bể.
5.2.1.1 Đáy bể chứa cần có lớp lót bằng vật liệu không cháy hoặc vật liệu khó cháy.
5.2.1.2 Bể chứa DM&SPDM có thể liên kết hàn, liên kết đinh tán, liên kết bu lông hoặc kết hợp các phương pháp kể trên.
5.2.1.3 Bể chứa DM&SPDM phải lắp đặt các thiết bị và phụ kiện cơ bản sau:
- Van thở (có hoặc không có thiết bị ngăn lửa), lỗ ánh sáng, lỗ thông áp (khi không lắp van thở), lỗ đo mức thủ công, lỗ lấy mẫu sản phẩm, cửa vào bể, ống xả nước đáy, ống đỡ thiết bị đo mức, tấm đo mức.
- Các chi tiết cầu thang, lan can lắp đặt cho bể chứa phải được bố trí thuận tiện, an toàn cho quá trình vận hành và lập mức chuẩn bể chứa.
Chú thích :
1) Đối với sản phẩm loại 3 chứa trong bể mái cố định, hoặc sản phẩm loại 1,2 chứa trong bể có phao bên trong có thể không lắp van thở.
2) Khi lắp các thiết bị đo tự động (đo mức, đo tỷ trọng, đo độ lẫn nước, đo nhiệt độ, báo tràn) cần bố trí thêm các lỗ thích hợp với các thiết bị ở trên.
3) Lắp đặt thiết bị đưa bọt chữa cháy vào bể xem điều 5.9 của tiêu chuẩn này.
4) Các lỗ ánh sáng, lỗ đo mức thủ công phải có nắp kín hơi.
5.2.2 Van thở cho bể mái cố định được tính toán phù hợp với điều kiện làm việc của bể. Các van thở phải lắp thiết bị ngăn lửa và phải tính đến trở lực của thiết bị ngăn lửa và các yếu tố khác gây nguy hiểm cho bể chứa. Thông hơi khẩn cấp cho bể mái cố định bằng cách lắp đặt van an toàn khẩn cấp trên mái bể tự mở khi áp suất trong bể vượt quá giá trị an toàn.
5.2.3 Đối với bể có phao bên trong nếu không lắp đặt van thở thì phải lắp đặt các lỗ thông hơi. Lỗ thông hơi có thể được bố trí ở gần tâm mái bể hoặc ở biên mái theo quy định sau:
- Lỗ thông hơi gần tâm mái bể có diện tích mặt thoát tối thiểu là 0,03 m2
- Lỗ thông hơi bố trí ở biên mái, cứ tối thiểu 10m chu vi có một lỗ và trong mọi trường hợp không ít hơn 4 lỗ. Tổng tiết diện các lỗ không nhỏ hơn 0,06.D m2 (D - đường kính bể tính bằng m).
5.2.4 Đối với bể ngầm, đường kính ống và chiều dài ống nối lắp van thở phải xác định thích hợp với lưu lượng xuất nhập vào áp suất thiết kế bể. Đầu ra của ống thông hơi hoặc van thở của bể ngầm chứa sản phẩm loại 1 phải đưa ra ngoài khu bể cao hơn đầu ống nhập vào phải cao hơn mặt đất xung quanh tổi thiểu 3,6 m, đối với sản phẩm loại 2, loại 3 yêu cầu cao hơn đầu ống nhập và cao hơn mặt đất xung quanh là 0,5 m. Đầu ra của ống thông hơi hoặc van thở phải cách các công trình trong kho tối thiểu 3 m và không ảnh hưởng đến môi trường làm việc xung quanh.
5.2.5 Trường hợp bể lắp đặt các thiết bị đo tự động truyền tín hiệu về trung tâm (đo mức, đo nhiệt độ, đo tỷ trọng, đo độ lẫn nước, báo tràn) phải đảm bảo an toàn theo quy định trong điều 5.11 của tiêu chuẩn này.
5.2.6 Bể nổi và bể ngầm đặt ở khu vực ngập nước (do ngập lụt, nước ngầm) phải có giải pháp chống nổi cho bể.
5.2.7 Khu bể nổi chứa DM&SPDM phải bố trí theo nhóm. Tổng dung tích của mỗi nhóm bể chứa được quy định tại Bảng 7.
Bảng 7. Tổng dung tích danh định cho phép trong một nhóm bể chứa DM&SPDM
Loại bể chứa | Dung tích danh định của 1 bể chứa quy định trong nhóm (m3) | Loại DM&SPDM tồn chứa | Tổng dung tích danh định cho phép trong nhóm (m3) |
Bể mái nổi | 50 000 và lớn hơn | Không phụ thuộc vào loại sản phẩm | 200 000 |
Nhỏ hơn 50 000 | Không phụ thuộc vào loại sản phẩm | 120 000 | |
Bể có phao bên trong | 50 000 | Không phụ thuộc vào loại sản phẩm | 200 000 |
Nhỏ hơn 50 000 | Không phụ thuộc vào loại sản phẩm | 120 000 | |
Bể mái cố định | 50 000 và nhỏ hơn | DM&SPDM có nhiệt độ chớp cháy cao hơn 37,8 oC | 120 000 |
50 000 và nhỏ hơn | DM&SPDM có nhiệt độ chớp cháy bằng và thấp hơn 37,8 oC | 80 000 |
Đối với khu bể ngầm chứa DM&SPDM, diện tích mặt thoáng chung của một nhóm bể ngầm không được lớn hơn 14 000 m2 và mặt thoáng của mỗi bể ngầm không được lớn hơn 7 000 m2.
Đối với bể trụ nằm ngang dung tích mỗi bể nhỏ hơn 100 m3 khi đặt ngầm dung tích mỗi nhóm không quá 5 000 m3. Khi đặt nổi chứa sản phẩm loại 1 mỗi nhóm không quá 500 m3 và khi đặt nổi chứa sản phẩm loại 2, 3 mỗi nhóm không quá 2 500 m3.
5.2.8 Phân bố các bể chứa trong một nhóm được quy định như sau:
- Không vượt quá 4 dãy đối với bể chứa có thể tích danh định nhỏ hơn 1 000 m3
- Không vượt quá 3 dãy đối với bể chứa có thể tích danh định từ 1 000 đến 10 000 m3
- Không vượt quá 2 dãy đối với bể chứa có thể tích danh định từ 10 000 m3 trở lên.
5.2.9 Khoảng cách phòng cháy giữa các bể chứa DM&SPDM:
5.2.9.1 Các bể đặt nổi có dung tích nhỏ hơn hoặc bằng 400 m3 bố trí theo nhóm có dung tích mỗi nhóm nhỏ hơn hoặc bằng 4 000 m3 trên cùng một khu đất, khoảng cách an toàn giữa các thành bể trong nhóm xác định theo điều kiện xây dựng, bảo dưỡng và vận hành. Khoảng cách phòng cháy giữa các thành bể gần nhất của nhóm lân cận có dung tích đến 4 000 m3 không nhỏ hơn 15 m.
5.2.9.2 Khoảng cách tối thiểu giữa hai thành bể đặt nổi trong một nhóm:
- Các bể mái cố định, bể có phao bên trong, bể mái nổi khi đường kính bằng và nhỏ hơn 45 m lấy bằng 1/6 tổng đường kính hai bể liền kề;
- Các bể mái nổi đường kính lớn hơn 45 m lấy bằng 1/4 tổng đường kính hai bể liền kề;
- Các bể mái cố định, bể có phao bên trong đường kính lớn hơn 45m chứa sản phẩm loại 1, loại 2 lấy bằng 1/3 tổng đường kính hai bể liền kề, chứa sản phẩm loại 3 lấy bằng 1/4 tổng đường kính hai bể liền kề.
Chú thích :
1) Khi hai bể liền kề chứa sản phẩm khác nhau thì khoảng cách an toàn xác định phù hợp với sản phẩm có điểm chớp cháy nhỏ hơn.
2) Đối với bể trụ nằm ngang khoảng cách tối thiểu là 0,9 m.
5.2.9.3 Khoảng cách giữa các bể ngầm trong một nhóm không nhỏ hơn 1 m.
5.2.9.4 Khoảng cách giữa các thành bể gần nhất của nhóm lân cận (loại trừ các nhóm bể quy định ở điều 5.2.9.1 của tiêu chuẩn này).
- Đối với bể nổi ít nhất là 30 m;
- Đối với bể ngầm ít nhất là 15 m;
5.2.10 Mỗi nhóm bể nổi có dung tích quy định trong điều 5.2.7 phải được ngăn cháy bằng đê bao bên ngoài, kết cấu đê phải tính toán theo áp lực thuỷ tĩnh của DM&SPDM chảy tràn.
- Nếu đê bao được đắp bằng đất, yêu cầu đỉnh đê có chiều rộng không nhỏ hơn 0,5 m.
- Nếu đê bao bằng tường xây hoặc bằng bê tông, yêu cầu đỉnh đê có chiều rộng không nhỏ hơn 0,25 m.
- Chiều cao đê bao ngăn cháy bên ngoài của nhóm bể phải cao hơn 0,2 m so với mức chất lỏng trong bể chứa lớn nhất chảy tràn.
Đê bao ngăn cháy bên ngoài không nên cao quá 2 m so với cốt mặt bằng trong và ngoài đê. Khi có lý do phải xây dựng đê ngăn cháy cao hơn 2 m thì phải đảm bảo sự thuận tiện việc tiếp cận đê để chữa cháy cho khu bể và phải được cơ quan quản lý về phòng cháy chữa cháy chấp thuận.
5.2.11. Trong mỗi nhóm bể đặt nổi phải có đê phụ với chiều cao không nhỏ hơn 0,8 m để tách thành các nhóm bể nhỏ theo các quy định dưới đây :
- Tổng dung tích các bể trong mỗi nhóm nhỏ không vượt quá 20 000 m3.
- Một bể chứa có dung tích bằng và lớn hơn 20 000 m3 phải tách riêng bằng đê phụ.
- Không chứa dầu Mazut (FO) và các sản phẩm dầu mỏ khác trong cùng một nhóm bể nhỏ.
5.2.12 Khoảng cách từ thành bể trụ đứng đặt nổi đến mép trong của chân đê bao ngăn cháy bên ngoài không được nhỏ hơn một nửa đường kính của bể gần đê và không quá 15 m. Khoảng cách từ thành bể nổi dung tích bằng và nhỏ hơn 100 m3 đến mép trong của chân đê bao ngăn cháy không được nhỏ hơn 1,5 m.
Chú thích: - Trong trường hợp đặc biệt và được phép của cơ quan có thẩm quyền khoảng cách từ thành bể đến mép trong của chân đê bao ngăn cháy bên ngoài được giảm tối đa 40%, nhưng phải thoả mãn các quy định trong điều 5.2.10.
5.2.13 Mỗi nhóm bể nổi phải có tối thiểu 4 lối ra đi ra vào khu bể bố trí đối diện và không ít hơn 2 lối đi cho bể đứng độc lập. Trường hợp có đê ngăn cháy phụ phải bố trí ít nhất 2 lối đi vượt qua đê. Lối đi vượt qua đê phải bằng vật liệu không cháy.
5.2.14 Sau khi lắp đặt xong bể mới hoặc sau khi tiến hành sửa chữa bể chứa phải tiến hành kiểm tra chất lượng các đường hàn thành bể, đáy bể và thử kín mái bể. Không được thử áp lực bằng không khí đối với bể đã chứa DM&SPDM.
5.2.15 Phải tiến hành thử tải thủy lực bể chứa trước khi đưa bể vào sử dụng đối với trường hợp xây dựng lắp đặt bể mới và sửa chữa lớn bể chứa. Thời gian thử tải thủy lực bể chứa quy định như sau:
- Đối với bể dưới 5 000 m3 phải duy trì ít nhất 24h
- Đối với bể trên 5 000 m3 phải duy trì ít nhất 72 h
5.3 Đường ống công nghệ trong kho:
5.3.1 Đường ống công nghệ trong kho phải sử dụng vật liệu không cháy và phù hợp với tính chất của loại sản phẩm vận chuyển. Đường kính, chiều dày của ống công nghệ phải được tính toán phù hợp với vận tốc, lưu lượng, áp lực bơm chuyển và môi trường làm việc. Độ dày thành ống được tính toán theo phụ lục A.
5.3.2 Sau khi lắp đặt hoàn thiện hệ thống công nghệ phải tiến hành thử áp lực. Đoạn đường ống công nghệ cần thử áp lực phải được ngăn với các đường ống khác có đấu nối với đoạn đường ống cần thử áp lực bằng mặt bích hoặc van chặn và được quy định như sau.
- Thử độ bền với áp lực thử theo quy định
- Thử độ kín sau khi hạ áp lực thử xuống áp lực làm việc.
Không thử áp lực bằng không khí đối với đường ống công nghệ đã qua sử dụng bơm chuyển DM&SPDM.
5.3.3 Thời gian thử độ bền đường ống công nghệ bằng thuỷ lực kéo dài không ít hơn 6 giờ. Sau đó để thử độ kín phải hạ áp lực thử đến áp lực làm việc và tiến hành kiểm tra đoạn ống cần thử. Đường ống được coi là đạt yêu cầu thử thủy lực về độ bền, độ kín nếu trong 6 giờ áp suất thử không thay đổi và trên đoạn ống thử không phát hiện thấy rò rỉ.
5.3.4 Kiểm tra độ bền đường ống công nghệ bằng thuỷ lực theo quy định sau:
- Đối với ống công nghệ có áp suất làm việc bằng và nhỏ hơn 5 bar, áp suất thử bằng 1,5 lần áp suất làm việc nhưng không nhỏ hơn 2 bar.
- Đối với ống công nghệ có áp suất làm việc lớn hơn 5 bar, áp suất thử bằng 1,25 lần áp suất làm việc hoặc bằng áp suất làm việc cộng với 3 bar tùy theo giá trị nào lớn hơn.
5.3.5 Đường ống công nghệ trong kho có thể đặt nổi trên mặt đất, đặt trong hào công nghệ hoặc chôn ngầm. Khi đặt đường ống trong hào công nghệ, kết cấu của hào phải làm bằng vật liệu không cháy, đáy hào công nghệ phải có độ dốc về phía hồ tập trung nối liền với hệ thống thu nước có nhiễm dầu.
Xem lại: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 24
Xem tiếp: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 26
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn