Chai chứa khí - chai chứa khí bằng thép không hàn - kiểm tra và thử định kỳ - phần 1

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 35 phút đọc

TCVN 10363:2014

ISO 6406:2005

CHAI CHỨA KHÍ - CHAI CHỨA KHÍ BẰNG THÉP KHÔNG HÀN - KIỂM TRA VÀ THỬ ĐỊNH KỲ

Gas cylinders - Seamless steel gas cylinders - Periodic inspection and testing

 

Lời nói đầu

TCVN 10363:2014 hoàn tương đương với ISO 6406:2005.

TCVN 10363:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 58 Chai chứa khí biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

CHAI CHỨA KHÍ - CHAI CHỨA KHÍ BẰNG THÉP KHÔNG HÀN - KIỂM TRA VÀ THỬ ĐỊNH KỲ

Gas cylinders - Seamless steel gas cylinders - Periodic inspection and testing

1. Phạm vi áp dụng-

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các chai chứa khí di động bằng thép không hàn (chai đơn hoặc cụm chai) dùng để chứa khí nén và khí hóa lỏng có áp suất với dung tích nước từ 0,5 L đến 150 L; và khi có thể thực hiện được, tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các chai có dung tích nước nhỏ hơn 0,5 L.

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về kiểm tra và thử định kỳ để xác minh tính toàn vẹn của chai chứa khí khi được đưa vào sử dụng lại thêm một khoảng thời gian nữa.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho kiểm tra và thử định kỳ các chai chứa axetylen hoặc các chai bằng composit có lớp lót bằng thép.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản đã nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 5868:2009 (ISO 9712:2005/ cor 1:2006) Thử không phá hủy - Trình độ chuyên môn và cấp chứng chỉ cá nhân.

TCVN 6874-1:2013 (ISO 11114-1:2010), Chai chứa khí di động - Tính tương thích của vật liệu làm chai chứa và làm van với khí chứa - Phần 1: Vật liệu kim loại.

TCVN 7389 (ISO 13341), Chai chứa khí di động - Lắp van vào chai chứa khí.

TCVN 10357 (ISO 13769), Chai chứa khí - Ghi nhãn.

TCVN 10359 (ISO 11621), Chai chứa khí - Quy trình thay đổi khí chứa.

3. Chu kỳ kiểm tra và thử định kỳ

Một chai chứa khí phải được đưa vào kiểm tra và thử định kỳ sau khi hết hạn thời gian tính từ khi nhận được lần đầu từ người nạp được xác lập phù hợp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quốc gia hoặc với các yêu cầu của khuyến nghị của Liên hiệp quốc về vận chuyển các hàng hóa nguy hiểm - Quy định mẫu (xem Phụ lục A).

Nếu chai vẫn ở trong các điều kiện sử dụng bình thường và không có sự sử dụng quá mức và không ở trong tình trạng không bình thường có thể làm cho chai mất an toàn thì không yêu cầu người sử dụng phải đưa chai chứa khí về để kiểm tra và thử định kỳ trước khi sử dụng hết khí chứa mặc dù chu kỳ kiểm tra định kỳ có thể đã trôi qua.

Người chủ sở hữu hoặc người sử dụng có trách nhiệm đưa chai chứa khí để kiểm tra và thử nghiệm định kỳ trong chu kỳ do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia quy định hoặc theo quy định trong tiêu chuẩn thiết kế chai chứa khí có liên quan nếu chu kỳ này ngắn hơn.

4. Danh mục các quy trình kiểm tra và thử định kỳ

Mỗi chai phải được kiểm tra và thử định kỳ. Các quy trình sau, khi áp dụng, tạo thành các yêu cầu cho các kiểm tra và thử định kỳ này và được giải thích đầy đủ thêm trong các điều tiếp theo:

a) Nhận dạng chai và chuẩn bị cho kiểm tra và thử nghiệm (Điều 5);

b) Giảm áp và tháo van (Điều 6);

c) Kiểm tra bên ngoài bằng mắt (Điều 7);

d) Kiểm tra tình trạng bên trong (Điều 8);

e) Các thử nghiệm bổ sung (Điều 9);

f) Kiểm tra cổ chai (Điều 10);

g) Thử áp suất hoặc kiểm tra bằng siêu âm (Điều 11);

h) Kiểm tra van và các phụ tùng khác (Điều 12);

i) Thay thế các chi tiết của chai (Điều 13);

j) Sửa chữa chai (Điều 14);

k) Các nguyên công cuối cùng (Điều 15);

l) Loại bỏ và đưa chai vào diện không sử dụng được (Điều 16).

Nên thực hiện các quy trình từ a) đến l) theo trình tự đã được liệt kê. Đặc biệt là nên thực hiện kiểm tra tình trạng bên trong (d) trước khi thử áp suất hoặc trước khi kiểm tra bằng siêu âm (g).

Các chai không đáp ứng các yêu cầu của kiểm tra hoặc thử nghiệm phải được loại bỏ (xem Điều 16). Khi một chai vượt qua các quy trình nêu trên nhưng vẫn còn nghi ngờ về tình trạng của chai thì phải thực hiện các thử nghiệm bổ sung để xác nhận sự thích hợp của chai cho sử dụng tiếp tục (xem Điều 9) hoặc chai phải được đưa vào diện không sử dụng được.

Tùy thuộc vào lý do loại bỏ, một số chai có thể được phục hồi (xem Phụ lục B).

Chỉ những người có năng lực và thẩm quyền theo các quy định có liên quan mới được thực hiện các kiểm tra và thử nghiệm.

Cơ tính của các chai bằng thép có thể bị ảnh hưởng của sự phơi nhiệt. Vì vậy nhiệt độ lớn nhất cho bất cứ quá trình nào cũng phải được giới hạn phù hợp với khuyến nghị của nhà sản xuất.

5. Nhận dạng chai và chuẩn bị cho kiểm tra và thử

Trước khi thực hiện bất cứ công việc gì phải có sự nhận biết dữ liệu có liên quan, dung lượng của chai và quyền sở hữu chai [ví dụ: từ nhãn dán trên chai và nhãn dập trên chai, xem TCVN.10367 (ISO 13769)]. Các chai được ghi nhãn không đúng hoặc không đọc được hoặc không biết khí chứa phải được để sang một bên để xử lý riêng.

Nếu khí chứa trong chai được nhận dạng là hyđro hoặc khi gây giòn khác thì chỉ những chai được chế tạo hoặc được cấp chứng chỉ là các chai chứa hyđro mới được sử dụng chứa khí này. Phải kiểm tra để bảo đảm rằng chai thích hợp để chứa hyđro, nghĩa là thích hợp về mặt giới hạn bền kéo lớn nhất và trạng thái bề mặt bên trong. Các chai phù hợp với TCVN 10367 (ISO 13769) được ghi nhãn “H”.

Tất cả các chai khác phải được loại ra khỏi dịch vụ chứa hyđro và phải kiểm tra sự phù hợp của chúng với dịch vụ mới theo dự định [xem TCVN 10359 (ISO 11621)].

6. Quy trình giảm áp và tháo van

6.1. Quy định chung

Các chai được yêu cầu giảm áp và tháo van trước khi được kiểm tra bên trong hoặc thử bằng áp suất. Các chai không được kiểm tra bên trong bằng mắt và được thử bằng kiểm tra siêu âm không yêu cầu phải giảm áp hoàn toàn và tháo van trừ khi kiểm tra bằng siêu âm để xác nhận sự hiện diện của vết nứt không chấp nhận được và kiểm tra viên muốn tiến hành kiểm tra thêm (xem 11.4).

6.2. Các chai được yêu cầu giảm áp

Các chai phải được giảm áp và loại bỏ môi chất một cách an toàn và có kiểm soát trước khi tiến hành các kiểm tra. Phải đặc biệt chú ý đến các chai chứa các khí dễ cháy, oxy hóa, ăn mòn hoặc độc hại để loại trừ các rủi ro ở giai đoạn kiểm tra bên trong. Xem Phụ lục C.

Trước khi tháo bất cứ phụ tùng chịu áp lực nào, ví dụ: van, mặt bích v.v... phải thực hiện kiểm tra cẩn thận để bảo đảm rằng chai không còn chứa bất cứ khí có áp nào. Có thể thực hiện công việc này như đã mô tả trong Phụ lục D khi sử dụng dụng cụ như đã chỉ dẫn trên Hình D.1.

Các chai có các van không hoạt động được hoặc bị tắc phải được xử lý như đã nêu trong Phụ lục D.

Tương tự như vậy, trong trường hợp các chai được tháo ra từ nhóm chai và không được trang bị các van chai, các đầu nối chữ T cũng phải được kiểm tra để xác định khả năng khí có thể thoát ra từ chai đang sử dụng, ví dụ như dụng cụ đã chỉ dẫn trên Hình D.1.

Với điều kiện là các yêu cầu nên trên đã được tuân thủ, chai phải được giảm áp an toàn và van phải được tháo ra.

6.3. Các chai không yêu cầu phải tháo van

Các chai phải được giảm áp xuống dưới 5 bar trước khi kiểm tra bằng siêu âm. Đối với các chai được kiểm tra bằng phương pháp siêu âm, xem 11.4.

7. Kiểm tra bên ngoài bằng mắt

7.1. Chuẩn bị cho kiểm tra bên ngoài bằng mắt

Khi cần thiết, chai phải được làm sạch và tất cả các lớp phủ bị bong ra các sản phẩm ăn mòn, nhựa đường, dầu và tất cả các vật lạ khác phải được loại bỏ khỏi bề mặt bên ngoài bằng phương pháp thích hợp, ví dụ chải bằng bàn chải, phun bi (trong các điều kiện có kiểm soát chặt chẽ), làm sạch bằng tia nước có vật liệu mài, làm sạch hóa học hoặc các phương pháp thích hợp khác. Phương pháp được sử dụng để làm sạch chai phải là phương pháp có hiệu lực và được kiểm soát. Phải có sự chú ý trong mọi lúc để tránh gây sự hỏng cho chai hoặc lấy đi lượng chiều dày quá mức của thành chai (xem Phụ lục B).

Nếu có lớp nylông, polyetylen bị cháy hoặc một lớp phủ tương tự ép dính vào bề mặt ngoài của chai và lớp phủ này đã bị hư hỏng hoặc ngăn cản việc kiểm tra một cách chính xác thì nó phải được tháo loại bỏ đi. Nếu lớp phủ được lấy đi bằng tác dụng nhiệt thì trong bất cứ trường hợp nào nhiệt độ của chai cũng không được vượt quá 300oC.

7.2. Quy trình kiểm tra

Bề mặt ngoài của mỗi chai phải được kiểm tra về:

a) Vết lõm, vết cắt, vết đục, chỗ phình, vết nứt, sự phân tách lớp hoặc bị mòn quá mức;

b) Hư hỏng do nhiệt, các vết cháy do hàn hoặc hồ quang điện (xem Bảng B.1);

c) Ăn mòn (xem Bảng B.2). Phải đặc biệt chú ý tới các bề mặt có thể bị đọng nước. Các bề mặt này bao gồm toàn bộ bề mặt đáy chai, mối nối giữa thân chai và vành chân chai cũng như mối nối giữa thân chai và vành đai bảo vệ;

d) Các khuyết tật khác như ghi nhãn cố định không đọc được, không đúng hoặc không được phép, hoặc các phần thêm vào hoặc cải tiến không được phép;

e) Tính toàn vẹn của tất cả các phụ tùng cố định (xem B.2);

f) Độ ổn định thẳng đứng, nếu có liên quan (xem Bảng B.1);

Về các tiêu chí loại bỏ, xem Phụ lục B. Các chai không còn thích hợp cho sử dụng phải được đưa vào diện không sử dụng được (xem Điều 16).

8. Kiểm tra tình trạng bên trong

Các chai phải được kiểm tra bên trong để hoàn thiện các yêu cầu về kiểm tra và thử nghiệm. Đối với các chai được kiểm tra bằng phương pháp siêu âm thay vì thử áp suất và khi sử dụng các rãnh chuẩn như quy định trong 11.4.4.2.2 để hiệu chuẩn thì van không cần phải tháo ra. Nếu không, mỗi chai phải được kiểm tra bên trong khi sử dụng nguồn chiếu sáng thích hợp để nhận dạng bất cứ các khuyết tật nào như đã liệt kê trong 7.2 a) và 7.2 c).

Phải có sự đề phòng để bảo đảm cho phương pháp chiếu sáng này không gây sự cố cho người kiểm tra trong khi thực hiện công việc. Bất cứ lớp lót hoặc lớp phủ bên trong nào có thể gây cản trở cho việc kiểm tra bên trong bằng mắt một cách tốt nhất phải được loại bỏ. Bất cứ chai nào có sự xuất hiện của vật lạ hoặc các dấu hiệu sự mòn lớn hơn ăn mòn nhẹ trên bề mặt cũng phải được làm sạch bên trong trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ bằng phun bi, làm sạch bằng tia nước có vật liệu mài, làm sạch bằng gò, đập, tia hơi nước, tia nước nóng, làm sạch bằng quay mài, làm sạch hóa học hoặc phương pháp làm sạch thích hợp khác. Phương pháp được sử dụng để làm sạch chai phải là phương pháp có hiệu lực và được kiểm soát. Phải có sự chú ý trong mọi lúc để tránh gây hư hỏng cho chai hoặc lấy đi lượng chiều dày quá mức của thành chai (xem Phụ lục B). Nếu có yêu cầu làm sạch, chai phải được kiểm tra lại sau khi làm sạch.

Đối với các chai chứa các khí không ăn mòn và có dung tích nước < 0,5 L với đường kính bên trong của cổ chai < 9 mm, có thể sử dụng các phương pháp khác thay thế cho kiểm tra bên trong bằng mắt.

Các phương pháp là:

- Kiểm tra hơi ẩm tại thời điểm khử khí cho chai khi chai ở vị trí lật ngược và trước khi tháo van. Nếu có sự xuất hiện của bất cứ hơi ẩm nào, chai phải được đưa vào diện không sử dụng được.

- Kiểm tra nhiễm bẩn, ví dụ: gỉ từ nước sau khi thử thủy lực. Nếu quan sát thấy sự nhiễm bẩn do gỉ trong chất làm thử thủy lực, chai phải được đưa vào diện không sử dụng được.

9. Các thử nghiệm bổ sung

Khi có nghi ngờ về loại và/hoặc tính nghiêm trọng của một khuyết tật được tìm thấy qua kiểm tra bằng mắt phải áp dụng các thử nghiệm hoặc các phương pháp kiểm tra bổ sung, ví dụ: kiểm tra bằng siêu âm, cân kiểm tra hoặc các thử nghiệm không phá hủy khác. Chỉ khi đã loại bỏ được tất cả các nghi ngờ thì chai mới được tiếp tục xử lý thêm (xem Phụ lục B).

10. Kiểm tra cổ chai

10.1. Ren lắp van vào chai

khi tháo van ra, phải kiểm tra ren để lắp van vào chai để nhận dạng loại ren (ví dụ: 25 E) và để bảo đảm rằng các ren này

- Sạch và có dạng ren đầy đủ;

- Không bị hư hỏng;

- Không có ba via;

- Không có các vết nứt;

- Không có các khuyết tật khác.

Các vết nứt tự xuất hiện như các đường chạy thẳng đứng xuống ren và đi ngang qua các mặt ren. Không nên nhầm lẫn các vết nứt này với các vết tarô ren (các vết gia công trên đỉnh ren). Nên có sự chú ý đặc biệt đến bề mặt ở đáy ren.

10.2. Các bề mặt khác của cổ chai

Phải kiểm tra các bề mặt khác của cổ chai để bảo đảm rằng các bề mặt này không có vết nứt hoặc các khuyết tật khác (xem Phụ lục B).

10.3. Ren trong của cổ chai bị hư hỏng

Khi cần thiết và khi nhà sản xuất hoặc cơ quan thiết kế có thẩm quyền xác nhận rằng thiết kế của cổ chai cho phép thì ren có thể được tarô lại hoặc kiểu ren được thay đổi để đạt được số vòng ren hiệu dụng thích hợp. Sau khi tarô lại hoặc thay đổi dạng ren phải kiểm tra ren bằng calip ren thích hợp [ ví dụ: TCVN 9316-1 (ISO 11361-1) đối với ren 25 E].

10.4. Vành cổ chai và đai xiết vành cổ chai

Khi sử dụng liên kết vành cổ chai /đai siết phải kiểm tra để bảo đảm rằng mối liên kết được cố định vững chắc và kiểm tra sự hư hỏng của ren. Chỉ được thay đổi vành cổ chai khi sử dụng phương pháp được chấp thuận. Nếu phát hiện ra bất cứ hư hỏng lớn nào đối với vật liệu chai do sự thay thế vành/ vòng cổ chai thì chai phải được đưa vào diện không sử dụng được (xem Điều 16).

11. Thử áp suất hoặc kiểm tra bằng siêu âm

11.1. Quy định chung

Mỗi chai phải được thử áp suất hoặc kiểm tra bằng siêu âm.

CẢNH BÁO: Phải đảm bảo chắc chắn có biện pháp an toàn thích hợp để vận hành an toàn và khi có sự giải phóng năng lượng trong quá trình thao tác. Cần lưu ý rằng các thử nghiệm với áp suất khí nén đòi hỏi phải có sự đề phòng cẩn thận hơn so với các thử nghiệm bằng áp suất thủy lực bởi vì, bất kể cỡ kích thước của bình chứa, bất cứ sai sót nào trong thực hiện thử nghiệm này đều có nguy cơ cao dẫn đến sự phá hủy dưới tác dụng của áp suất khí. Vì vậy, chỉ được tiến hành các thử nghiệm này sau khi bảo đảm rằng các biện pháp an toàn đáp ứng được các yêu cầu về an toàn.

Mỗi chai phải được thử áp suất thủy lực bằng môi chất thích hợp, môi chất thử thường sử dụng là nước. Thử thủy lực có thể là thử bền cũng như thử độ giãn nở thể tích để đánh giá đặc tính kỹ thuật thiết kế của chai. Có thể thay thế thử áp suất thử thủy lực bằng thử ở áp suất thử khí nén. Khi đã quyết định sử dụng một kiểu thử riêng biệt thì các kết quả thử phải là các kết quả thử cuối cùng. Áp suất thử phải tuân theo áp suất thử đóng trên chai.

Khi một chai không đáp ứng được yêu cầu của một trong các thử nghiệm nêu trên, không được áp dụng các phương pháp thử khác để cấp chứng nhận cho chai này.

11.2. Thử với áp suất thử

11.2.1. Quy định chung

Phương pháp dưới đây là phương pháp điển hình để thực hiện thử nghiệm. Bất cứ chai nào không đáp ứng các yêu cầu của thử nghiệm với áp suất thử phải được đưa vào diện không sử dụng được.

Phép thử này yêu cầu áp suất trong chai được tăng lên dần tới khi đạt được áp suất thử. Phải giữ áp suất thử chai trong thời gian ít nhất là 30 s với chai được cách ly khỏi nguồn áp suất, trong thời gian này không được có sự suy giảm áp suất ghi được hoặc có bằng chứng về sự rò rỉ. Phải có sự đề phòng bảo đảm an toàn thích hợp trong quá trình thử.

11.2.2. Thiết bị thử

11.2.2.1. Tất cả các đường ống cứng, đường ống mềm, van, phụ tùng nối ống và các chi tiết tạo thành hệ thống áp lực của thiết bị thử phải được thiết kế để chịu được áp suất ít nhất là bằng 1,5 lần áp suất thử lại lớn nhất của bất cứ chai nào có thể được thử.

11.2.2.2. Các áp kế phải là loại áp kế công nghiệp cấp 1 (sai lệch ± 1 % so với giá trị ở cuối thang đo) có thang đo thích hợp cho áp suất thử (ví dụ: EN 837-1 hoặc EN 837-3). Các áp kế này phải được kiểm tra độ chính xác dựa vào một áp kế mẫu đã được hiệu chuẩn, ở các khoảng thời gian cách đều nhau ít nhất là một tháng một lần. Áp kế mẫu phải được hiệu chuẩn phù hợp với các yêu cầu của quốc gia. Áp kế phải được lựa chọn sao cho áp suất thử ở giữa khoảng từ một phần ba đến hai phần ba giá trị có thể đo được trên áp kế.

11.2.2.3. Việc thiết kế và lắp đặt thiết bị, nối các chai và các quy trình vận hành phải bảo đảm sao cho tránh tạo ra túi khí trong hệ thống khi sử dụng môi chất lỏng

11.2.2.4. Tất cả các mối nối trong hệ thống không được rò rỉ.

11.2.2.5. Phải lắp trong thiết bị thử cơ cấu khống chế thích hợp cho hệ thống sao cho áp suất thử không vượt quá trị số dung sai cho phép trong 11.2.3.3.

11.2.3. Tiêu chí thử nghiệm

11.2.3.1. Có thể thử nghiệm cùng một lúc nhiều hơn một chai với điều kiện là chúng có cùng một áp suất thử. Nếu không sử dụng các điểm thử riêng thì trong trường hợp có rò rỉ, tất cả các chai được thử phải được thử lại riêng biệt.

11.2.3.2. Trước khi tác dụng áp suất, bề mặt ngoài của chai phải khô.

11.2.3.3. Áp suất tác dụng không được nhỏ hơn áp suất thử và không được vượt quá áp suất thử 3 % hoặc 10 bar, lấy giá trị nhỏ hơn.

11.2.3.4. Khí đạt được áp suất thử, chai phải được cách ly khỏi bơm và áp suất được duy trì trong khoảng thời gian ít nhất là 30 s.

11.2.3.5. Nếu có sự rò rỉ trong hệ thống chịu áp lực thì rò rỉ này phải được khắc phục và các chai phải được thử lại.

11.2.4. Tiêu chí nghiệm thu

Trong thời gian 30 s, áp suất được chỉ thị trên áp kế phải được giữ không đổi.

Không được có sự rò rỉ nhìn thấy được trên toàn bộ bề mặt của chai. Phải thực hiện kiểm tra này trong thời gian duy trì 30 s. Không được có biến dạng dư nhìn thấy được.

11.3. Thử giãn nở thể tích bằng thủy lực

Phụ lục E đưa ra các phương pháp điều chỉnh để thực hiện phép thử này và cho các nội dung chi tiết để xác định độ giãn nở thể tích của các chai chứa khí bằng thép không hàn bằng phương pháp dùng áo nước hoặc phương pháp không dùng áo nước. Các phương pháp thử thiết bị và quy trình được lựa chọn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phải thực hiện thử nghiệm giãn nở thể tích dùng áo nước trên thiết bị có buret đo độ cao, có buret cố định hoặc có đĩa cân. Phải chú ý bảo đảm cho toàn bộ bề mặt ngoài của chai ướt và không xuất hiện bất cứ bọt khí nào.

Độ giãn nở thể tích dư của chai được biểu thị theo tỷ lệ phần trăm của tổng độ giãn nở ở áp suất thử không được vượt quá tỷ lệ phần trăm được cho trong điều kiện kỹ thuật thiết kế sau khi chai đã được giữ ở áp suất thử trong khoảng thời gian ít nhất là 30 s. Nếu trị số độ giãn nở dư này bị vượt quá, chai phải được đưa vào diện không sử dụng được.

11.4. Kiểm tra bằng siêu âm

11.4.1. Cơ sở

Kiểm tra bằng siêu âm các chai chứa khí như được mô tả dưới đây dựa trên cơ sở kiểm tra bằng siêu âm các ống phù hợp với ISO 9305, ISO 9764 và ISO 10543. Cần tính đến các đặc điểm đặc trưng về hình học của các chai chứa khí và các điều kiện biên cho các kiểm tra định kỳ.

11.4.2. Phạm vi

Kiểm tra bằng siêu âm (UE) các chai chứa khí bằng thép không hàn (dung tích nước ≥ 2 L) trong khuôn khổ các kiểm tra định kỳ có thể được thực hiện thay vì các thử nghiệm được mô tả trong 11.2 và 11.3.

11.4.3. Yêu cầu

11.4.3.1. Quy định chung

Phần hình trụ của chai, phần chuyển tiếp đến vai chai, phần chuyển tiếp ở đáy và các vùng giới hạn của đáy phải được kiểm tra bằng siêu âm với sự trợ giúp của thiết bị kiểm tra tự động (ví dụ xem Hình 1). Khi thiết bị kiểm tra này không thể kiểm tra được phía ngoài phần hình trụ, phải thực hiện kiểm tra bổ sung bằng tay (xem Hình 2).

Các chai bị nghi ngờ có hư hỏng do cháy hoặc nhiệt không được kiểm tra bằng siêu âm.

11.4.3.2. Thiết bị kiểm tra

Thiết bị phải có khả năng quét toàn bộ bề mặt phần hình trụ của chai, bao gồm cả các phần chuyển tiếp liền kề với đáy và vai chai. Hệ thống kiểm tra phải có một số kiểu đầu dò và các hướng chùm tia khác nhau để nhận dạng tất cả các đặc điểm chuẩn trong chi tiết hiệu chuẩn. Một thiết bị kiểu này có thể có năm hoặc nhiều hơn 5 đầu dò siêu âm được bố trí một cách thích hợp (ví dụ xem Hình 3).

Có thể có các bố trí khác của các đầu dò với điều kiện là có thể phát hiện được các khuyết tật dọc và ngang.

Xem tiếp: Chai chứa khí - chai chứa khí bằng thép không hàn - kiểm tra và thử định kỳ - phần 2

Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước Chai chứa khí - chai chứa khí bằng thép không hàn - kiểm tra và thử định kỳ - phần 2

Chai chứa khí - chai chứa khí bằng thép không hàn - kiểm tra và thử định kỳ - phần 2

Bài viết tiếp theo

Van thông hơi

Van thông hơi
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call