BỒN THÉP CHỨA CHẤT LỎNG CHÁY ĐƯỢC VÀ CHẤT LỎNG DỄ CHÁY - PHẦN 2
5.1.1. Tính phù hợp của thiết kế
Bồn chứa phải được thiết kế phù hợp với tải trọng và áp suất mà nó có thể phải chịu và phải dựa vào tính toán tất cả các điều kiện ăn mòn hoặc các điều kiện bất thường.
Các mối hàn trên các bộ phận nối, các gờ, vòi phun và các bộ phận tương tự phải tương thích với vật liệu chế tạo bồn chứa và quy trình hàn.
Khi khối lượng riêng của chất lỏng vượt quá 1000 kg/m3 thì bồn chứa phải được thiết kế phù hợp với khối lượng riêng này bằng việc lựa chọn và tính toán vật liệu chế tạo bồn chứa và các kích thước của bồn chứa, ví dụ như chiều dày thành bồn chứa, các mối nối. Các tính toán tương tự phải được thực hiện nếu tốc độ ăn mòn lớn hơn tốc độ ăn mòn của các sản phẩm nhiên liệu dầu mỏ dự tính, và vật liệu phải được chọn sao cho phù hợp.
5.1.2. Vật liệu chế tạo
Vật liệu được dùng để chế tạo bồn chứa phải là loại có chất lượng phù hợp với điều kiện sử dụng và tương thích với chất lỏng chứa trong bồn.
5.1.3. Mối hàn
Các mối hàn phải tuân theo các yêu cầu tương ứng của tiêu chuẩn AS/NZS 1554 hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương.
5.1.4. Hoàn thiện và lớp phủ bảo vệ
Lớp phủ bảo vệ bên trong hoặc bên ngoài phải đủ để đảm bảo tuổi thọ của bồn chứa và các giá đỡ của nó.
Cần chú ý đến các yếu tố cụ thể sau:
a) Đất hoặc điều kiện môi trường xung quanh bồn chứa.
b) Sự tương thích giữa các lớp phủ bảo vệ bên trong với chất lỏng chứa trong bồn chứa.
c) Bảo vệ các vùng đặc biệt dễ bị ăn mòn, ví dụ như các điểm tiếp xúc với giá đỡ, điểm ứ đọng nước mưa.
d) Các yêu cầu riêng đối với việc chuẩn bị bề mặt và phủ khi sử dụng phương pháp bảo vệ catốt.
5.1.5. Giá đỡ bồn chứa
Kết cấu giá đỡ đi kèm với bồn chứa phải tuân theo quy định kết cấu có thể áp dụng cho các vật liệu cụ thể, ví dụ theo AS 4100 cho giá đỡ bằng thép. Giá đỡ hàn, khung giá đỡ hoặc các mối nối khác phải được hàn sao cho hơi ẩm không thể thẩm thấu có thể dẫn đến ăn mòn thân bồn chứa.
Cần đặc biệt chú ý đến phương pháp phân bố tải giữa thân bồn chứa và giá đỡ sao cho tránh ứng suất quá cao hoặc biến dạng cục bộ của bồn.
5.1.6. Các kết nối với bồn chứa đặt ngầm dưới mặt đất
Nếu bồn chứa được chôn một phần hoặc hoàn toàn dưới mặt đất thì các đường ống dẫn phải đi xuyên qua đỉnh của bồn chứa.
5.1.7. Đệm bịt kín bằng chất lỏng
Mỗi ống nạp, ống hút và ống nhúng đi qua đỉnh bồn chứa và đôi lúc có thể được mở thông với khí quyển trong quá trình nạp thông thường, phải được cung cấp cùng với một đệm bịt kín bằng chất lỏng đủ để đảm bảo đầu mút thấp nhất của ống được nhúng chìm trong chất lỏng ít nhất 25 mm tại tất cả các lần sau lần nạp đầu tiên.
Yêu cầu này không quy định đối với bồn chứa loại 1.
CHÚ THÍCH: Hình 1 thể hiện sơ đồ sắp xếp điển hình cho các đệm bịt kín bằng chất lỏng.
5.1.8. Thang và kết cấu vào
Các kết cấu vào phải tuân theo AS 1657 hoặc tương đương. Khi kết cấu này được gắn với bồn chứa, thiết kế của nó phải sao cho không có sự dịch chuyển khác nhau giữa bồn chứa và kết cấu này.
CHÚ DẪN:
* Khoảng cách này sẽ thay đổi chiều sâu của đệm bịt kín bằng chất lỏng nếu bồn chứa được đặt nghiêng và trong trường hợp đó phải thực hiện điều chỉnh thích hợp để duy trì các kích thước đệm bịt kín (xem 5.1.7)
Hình 1 - Quy định đệm bịt kín bằng chất lỏng
5.2. Chỉ báo mức chất lỏng
5.2.1. Quy định chung
Mỗi bồn chứa phải được trang bị phương tiện xác định mức chất lỏng chứa bên trong. Nếu bộ chỉ báo mức chất lỏng thuộc loại này được thiết kế để đọc từ xa thì cần phải cung cấp các phương tiện bổ sung để kiểm tra độ chính xác của bộ chỉ báo này.
Mức nạp lớn nhất cho phép phải được chỉ thị trên đồng hồ đo mức của bồn.
CHÚ THÍCH 1: Bất kỳ sự thay đổi nào của các chất chứa trong bồn cũng có thể làm thay đổi mức nạp tối đa cho phép.
CHÚ THÍCH 2: Các loại bộ chỉ thị có thể được chấp nhận là các phao chỉ mức, các áp kế thủy tĩnh, que đo độ sâu, các thước dây đo độ sâu hoặc các ống ngắm (các kính ngắm).
5.2.2. Que đo độ sâu
Nếu sử dụng hệ thống que đo độ sâu, nó phải tuân theo các yêu cầu sau:
a) Đối với bồn chứa đặt nổi trên mặt đất, lỗ mở phải được gắn nắp đậy để kín chất lỏng và kín hơi trừ khi sử dụng nhúng và thông hơi thông thường.
b) Khi phép đo được thực hiện với que đo độ sâu tiếp xúc với đáy bồn chứa thì phải có một dẫn hướng dạng ống. Ống dẫn hướng này phải kết hợp một lỗ cân bằng áp suất nối đầu mút phía trên của ống nhúng với khoảng không gian phía trên của bồn chứa. Nếu lỗ cân bằng áp suất có đường kính lớn hơn 1,5 mm, nó phải được bao phủ một lưới kim loại chống chớp cháy có kích thước mắt Iưới không quá 600 μm. Đối với bồn chứa không thuộc loại 1 và 2, phải gắn một cách chắc chắn một đệm giảm chấn với đáy bồn chứa ngay dưới đầu hở ống nhúng.
c) Que đo độ sâu dùng cho bồn để chứa chất lỏng cháy được phải được làm từ kim loại màu.
5.2.3. Ống ngắm
Trường hợp bắt buộc phải sử dụng ống ngắm thì:
a) Phải trang bị một bộ phận bảo vệ thích hợp cho ống ngắm;
b) Vật liệu làm ống ngắm không được thấm và phải tương thích với chất lỏng được chứa; và
c) Phải trang bị một van ngắt tự động trên bất kỳ chân kết nối nào thấp hơn mức chất lỏng.
5.3. Quy định về nạp
Xem lai: BỒN THÉP CHỨA CHẤT LỎNG CHÁY ĐƯỢC VÀ CHẤT LỎNG DỄ CHÁY - PHẦN 1
Xem tiếp: BỒN THÉP CHỨA CHẤT LỎNG CHÁY ĐƯỢC VÀ CHẤT LỎNG DỄ CHÁY - PHẦN 3
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn