TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 2

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 11 phút đọc

3.26. Bể chứa ngoài (Outer tank)

Bồn chứa phụ tự đỡ, hình trụ, bằng thép hoặc bê tông.

3.27. Chủ đầu tư (Purchaser)

Công ty đưa ra yêu cầu cho nhà thầu về thiết kế, xây dựng và thử nghiệm bể chứa.

3.28. Bồn chứa chất lỏng chính (Primary liquid container)

Một phần của bể chứa tổ hợp, bể chứa đơn, bể chứa kép hay bể vách. Bồn này chứa chất lỏng trong quá trình vận hành bình thường.

3.29. Tấm chắn hơi sản phẩm (Product vapour barrier)

Tấm chắn hơi polyme hay tấm lót được dùng nhằm ngăn chặn hơi sản phẩm trong bể thoát ra.

3.30. Dầm hình xuyến (Ringbeam)

Bệ đỡ hình vòng xuyến bên dưới vỏ bể.

3.31. Cuộn xoáy (Roll-over)

Sự di chuyển khối lượng không kiểm soát của chất lỏng trong bể chứa, hiệu chỉnh trạng thái không ổn định của chất lỏng phân tầng do chênh lệch tỉ trọng, dẫn đến việc gia tăng đáng kể lượng hơi của sản phẩm.

3.32. Nắp (Roof)                 

Kết cấu phía trên của lớp vỏ hay thành bể có chứa áp suất hơi, cách ly các thành phần bên trong với khí quyển bên ngoài.

3.33. Địa chấn tắt an toàn (Safe Shutdown Earthquake, SSE)

Biến cố địa chấn lớn nhất, các chức năng và cơ chế đảm bảo an toàn cơ bản được thiết kế để chịu được các mức địa chấn này.

CHÚ THÍCH: Hư hỏng vĩnh viễn cũng có thể được chấp nhận nhưng đảm bảo không gây tổn hại cho tính toàn vẹn chung của bể và hệ thống. Bể chứa không được phép tiếp tục vận hành nếu không được kiểm tra chi tiết và đánh giá về kết cấu.

3.34. Bồn chứa chất lỏng phụ (Secondary liquid container)

Là một phần của bồn chứa ngoài của bể chứa tổ hợp, bể kép hay bể vách, chứa chất lỏng.

3.35. Bể tự đỡ (Self supporting tank)

Bể chứa được thiết kế đảm bảo chịu được áp lực thủy tĩnh của chất lỏng bên trong và áp suất hơi của nó (nếu có).

3.36. Áp suất đặt (Set pressure)

Mức áp suất tại đó thiết bị xả áp sẽ hoạt động.

3.37. Vỏ bể (Shell)

Bộ phận hình trụ đứng bằng kim loại.

3.8. Bể chứa đơn (Single containment tank)

Xem 4.1.1.

CHÚ THÍCH: Hơi sản phẩm được chứa trong bồn chứa chính hoặc chứa trong bồn chứa ngoài bằng kim loại.

3.39. Nắp treo (Suspended roof)

Kết cấu đỡ bộ phận cách nhiệt bên trong của nắp bể

3.40. Áp suất thử (Test pressure)

Áp suất không khí trong bể trong khi thử nghiệm.

3.41. Hệ thống giữ nhiệt (Thermal Protection System, TPS)

Kết cấu cách nhiệt và kín hơi đối với chất lỏng, có vai trò bảo vệ bể chứa ngoài chống lại nhiệt độ thấp.

CHÚ THÍCH: Các ví dụ về hệ thống này bao gồm cả đáy và góc đáy (xem 7.1.11).

3.42. Bồn chứa hơi (Vapour container)

Một phần của bể chứa đơn, bể chứa kép, bể chứa tổ hợp, hay bể vách, chứa hơi trong suốt quá trình vận hành bình thường.

3.43. Thành bể (Wall)

Bộ phận hình trụ thẳng đứng bằng bê tông.

3.44. Tấm chắn hơi (Vapour barrier)

Tấm chắn ngăn cản sự thâm nhập của hơi nước hay các khí khác của khí quyển vào bộ phận cách nhiệt hay bể chứa ngoài.

4. Lựa chọn các bể chứa phù hợp

4.1. Các loại bể chứa

4.1.1. Bể chứa đơn

Bể chứa đơn chỉ gồm duy nhất một bồn dùng để tồn chứa sản phẩm lỏng (bồn chứa chất lỏng chính). Bồn chứa chất lỏng chính này phải là dạng bể hình trụ bằng thép tự đỡ.

Hơi của sản phẩm phải được chứa trong:

- Mái vòm bằng thép của bồn, hoặc;

- Khi bồn chứa chất lỏng chính có dạng hình cốc hở nắp, hơi của sản phẩm được chứa trong bể ngoài kín hơi bằng kim loại, bao quanh bồn chứa chất lỏng chính. Bể ngoài trong trường hợp này chỉ được thiết kế để chứa hơi sản phẩm, giữ và bảo vệ các thành phần cách nhiệt.

CHÚ THÍCH 1: Tùy thuộc vào các yêu cầu về việc chứa khí và cách nhiệt, người ta có thể thiết kế một vài kiểu bể chứa đơn.

Bể chứa đơn phải được bao quanh bởi tường ngăn để chứa sản phẩm có thể bị rò.

CHÚ THÍCH 2: Ví dụ về bể chứa đơn, xem Hình 1.

4.1.2. Bể chứa kép

Bể chứa kép phải bao gồm bồn chứa chính kín khít đối với chất lỏng và khí. Bồn chứa chính này bản thân nó đã là một bể chứa đơn được đặt trong bồn chứa phụ kín hơi đối với chất lỏng.

Bồn chứa phụ phải được thiết kế để có thể chứa tất cả các thành phần lỏng từ bồn chứa chính trong trường hợp bị rò rỉ. Khoảng vành khuyên nằm giữa bồn chính và bồn phụ không lớn hơn 6,0 m.

CHÚ THÍCH 1: Bồn chứa phụ được thiết kế mở ở bên trên do đó không thể ngăn sự thoát hơi của sản phẩm. Khoảng không gian giữa bồn chứa chính và bồn chứa phụ có thể được che phủ bởi một “tấm chắn mưa” ngăn chặn mưa, tuyết, bụi,... có thể lọt vào trong.

CHÚ THÍCH 2: Các ví dụ về bể chứa kép, xem Hình 2.

4.1.3. Bể chứa tổ hợp

Bể chứa tổ hợp phải bao gồm một bồn chứa chính và một bồn chứa phụ kết hợp với nhau tạo ra một bể chứa phức hợp. Bồn chứa chính phải là loại tự đứng bằng thép, chỉ có một lớp thành bể và dùng để chứa chất lỏng.

Bồn chứa chính:

- Có thể hở phía trên, trong trường hợp này thì nó không giữ được hơi sản phẩm;

- hoặc được trang bị nắp dạng vòm và có thể chứa được hơi sản phẩm.

Bồn chứa phụ phải là loại tự đỡ bằng thép hay bê tông, có nắp dạng vòm và được thiết kế để đảm bảo các chức năng sau:

- Trong điều kiện bình thường: bồn chứa phụ là bộ phận chứa hơi chính (nếu bồn chứa chính có dạng hở nắp) và giữ các thành phần cách nhiệt của bồn chính;

- Trong trường hợp bồn chính bị rò rỉ: bồn chứa phụ phải chứa được tất cả các sản phẩm lỏng cũng như duy trì được trạng thái kín hơi (không bị rò khí và hơi). Sự thoát hơi có thể được chấp nhận nhưng phải được kiểm soát (hệ thống xả áp).

Khoảng vành khuyên giữa bồn chứa chính và bồn phụ không lớn hơn 2,0 m.

CHÚ THÍCH 1: Các quy định trên đây cũng được áp dụng với loại bể chứa tổ hợp có hệ thống cách nhiệt đặt phía ngoài bồn chứa phụ.

CHÚ THÍCH 2: Các ví dụ về bể chứa tổ hợp, xem Hình 3.

Xem lai: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 1

Xem tiếp: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 3

Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 3

TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 3

Bài viết tiếp theo

Van thông hơi

Van thông hơi
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call