TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 5

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 19 phút đọc

7.1.6.2. Các liên kết khác

Các liên kết khác (như ống điều hướng, giằng) vào bồn chứa chính và bồn chứa phụ phải được giảm thiểu.

7.1.7. Mức chất lỏng thiết kế lớn nhất

Mức chất lỏng thiết kế lớn nhất cách mép trên của thành bồn chứa chính một khoảng nhỏ nhất là 300 mm.

CHÚ THÍCH: Khoảng chênh lệch này cho phép chất lỏng chuyển động trong trường hợp có động đất.

7.1.8. Làm lạnh

Một hệ thống ống dẫn cho quá trình làm lạnh của bể được cung cấp. Hệ thống này được thiết kế sao cho có thể duy trì được tốc độ làm lạnh xác định. Đầu phun, các thiết bị hoặc phương pháp phù hợp khác có thể được sử dụng nhằm đảm bảo việc hóa hơi hoặc phân bố hoàn toàn của chất lỏng.

7.1.9. Móng bể

Móng bể được thiết kế sao cho độ lún của bể và các liên kết của nó được hấp thụ. Có thể sử dụng một vài loại phổ biến sau:

- Móng nông (tấm đỡ bể cùng với các dầm vành khuyên bằng bê tông hoặc móng bản bê tông);

- Móng cọc (bản đáy được đặt trên hệ thống móng cọc ở mức nền hay được nâng lên cao).

Cần phải tiến hành các khảo sát về đất nền và địa chấn để xác định các đặc điểm tự nhiên và địa kỹ thuật của nền đất.

Các khảo sát đất nền được tiến hành theo quy định trong EN 1997-1:2004. Khả năng chịu động đất của các kết cấu được quy định trong EN 1998-1:2004 và Phụ lục C.

CHÚ THÍCH 1: Hệ thống kháng chấn hoặc các thiết bị khác có thể được sử dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại của động đất.

Nhà thầu với sự tư vấn của chủ đầu tư xác định độ lún toàn phần và độ lún chênh lệch lớn nhất cho phép của bể. Nhà thầu cũng phải chứng tỏ được rằng tất cả các thành phần của bể có thể hấp thụ được độ lún đó.

Độ lún thực tế của bể phải được theo dõi trong suốt tuổi thọ của bể (từ xây dựng, thử áp lực thủy tĩnh đến vận hành,...). Tần suất theo dõi phù hợp với thời gian tính toán trước và tốc độ thay đổi độ lún của bể theo tải trọng.

Nếu sự lún xảy ra trong quá trình thi công và thử nghiệm bể khác với dự đoán, nhà thầu buộc phải điều tra nguyên nhân và tiến hành các biện pháp khắc phục đề phòng sự cố trong tương lai. Chủ đầu tư cũng cần được tham khảo ý kiến.

CHÚ THÍCH 2: Nếu sự lún xảy ra trong quá trình vận hành bể khác với dự đoán, chủ đầu tư nên hỏi ý kiến tham khảo từ phía nhà thầu.

Cần phải tránh quá trình giãn nở của móng.

CHÚ THÍCH 3: Có thể cần hệ thống sưởi cho móng để giải quyết vấn đề này.

CHÚ THÍCH 4: Móng có thể được nâng lên tạo khoảng trống giữa bản móng và nền, do đó tạo điều kiện lưu thông không khí. Trong trường hợp này có thể không cần hệ thống sưởi móng. Nhà thầu phải chứng minh được rằng có đủ không khí lưu thông, và ngăn chặn được việc ngưng tụ và đóng băng trong thời gian dài trên bản móng.

CHÚ THÍCH 5: Để biết thêm chi tiết về móng, xem TCVN 8615-3 (EN 14620-3), Phụ lục B.

7.1.10. Hệ thống sưởi móng

Hệ thống sưởi phải được thiết kế sao cho nhiệt độ của tất cả các vị trí trên móng không xuống dưới giá trị 0 °C. Sơ đồ các ống dẫn và hệ thống sưởi dự phòng được lắp đặt sao cho các yêu cầu nêu trên được đảm bảo kể cả trong trường hợp một dây hay một mạch gặp sự cố.

Lượng nhiệt cung cấp cho móng phải được điều khiển bởi ít nhất hai bộ điều nhiệt. Một bộ được đặt tại khu vực theo tính toán là sẽ có nhiệt độ thấp. Tất cả các bộ điều nhiệt đều truyền tín hiệu tới bảng điều khiển của người vận hành hệ thống cùng với một hệ thống báo động trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp.

CHÚ THÍCH: Xem thêm thông tin về hệ thống sưởi cho móng trong Phụ lục D.

7.1.11. Hệ thống chống biến dạng nhiệt (thermal protection system, TPS) của bể bê tông

CHÚ THÍCH: Với bồn chứa phụ bằng bê tông (ví dụ bể tổ hợp và bể vách), khi liên kết giữa thành bể và đáy bể là liên kết cứng, TPS có tác dụng ngăn chặn vết nứt không kiểm soát được ở liên kết giữa thành và đáy hoặc trên bản đáy. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp bồn chứa chính bị rò rỉ. TPS bao phủ cả đáy và phần dưới của thành bể. TPS có thể bao gồm các tấm thép (đáy kép) và vật liệu cách nhiệt (bể kép hay bể tổ hợp) hoặc tấm chắn chất lỏng và vật liệu cách nhiệt (bể vách).

Độ cao của các thành phần đứng của TPS được xác định theo sự phân bố nhiệt độ và khả năng biến dạng của góc liên kết. Quá trình lựa chọn vật liệu và các yêu cầu thiết kế được nêu trong TCVN 8615-2 (EN 14620-2) và EN 14620-4.

7.1.12. Tường ngăn

Bể chứa đơn được sử dụng kết hợp với tường ngăn. Kích thước của khu vực ngăn phải đảm bảo chứa được tất cả sản phẩm trong bồn chứa chính. Khu vực bị ngăn cũng như tường ngăn được thiết kế sao cho không thấm chất lỏng trong một thời gian dài. Vật liệu được sử dụng phải chịu được chất lỏng bị rò rỉ. Cần chú ý việc loại bỏ nước mưa hay nước chữa cháy tích tụ phía trong khu vực bị ngăn mà không làm tràn hay rò rỉ chất lỏng.

Với tường ngăn bằng bê tông, phải áp dụng các quy định trong TCVN 8615-3 (EN 14620-3).

7.1.13. Sét

Bể phải được thiết kế chống lại các ảnh hưởng của sét.

7.2. Hệ thống bảo vệ

7.2.1. Thiết bị

7.2.1.1. Quy định chung

Các yêu cầu tối thiểu sau phải được đảm bảo:

- Các thiết bị phải được lắp đặt nhằm đảm bảo tính an toàn và tin cậy cho toàn bộ quá trình thử nghiệm, vận hành/bảo trì và hết khấu hao của bể chứa. Cũng cần tính toán lượng dự phòng cần thiết;

- Nếu có thể, thiết bị có thể được bảo trì ngay trong quá trình vận hành bình thường của bể;

- Các quá trình đo đạc và kết quả phải được truyền về phòng điều khiển hoặc người vận hành.

7.2.1.2. Mức chất lỏng

Cần có ít nhất hai thiết bị đo mức chất lỏng có độ chính xác cao, hoạt động độc lập được lắp đặt để bảo vệ bể khỏi bị chảy tràn. Mỗi hệ thống đo gồm có báo động mức cao và công tắc ngắt.

CHÚ THÍCH: Với yêu cầu trên đây, bể không cần phải thiết kế cho trường hợp bị tràn.

7.2.1.3. Áp suất

Bể chứa tối thiểu phải được lắp thiết bị phát hiện áp suất quá cao và quá thấp. Các hệ thống này hoạt động độc lập với hệ thống áp kế thông thường của bể.

7.2.1.4. Nhiệt độ

Bể chứa tối thiểu phải được lắp đặt các thiết bị cố định tại những vị trí thích hợp, cho phép nhiệt độ được theo dõi như sau:

- Nhiệt độ của chất lỏng được đo tại một vài độ sâu khác nhau. Khoảng cách theo phương đứng giữa hai bộ phận cảm ứng liền kề không lớn hơn 2 m;

- Theo dõi được nhiệt độ của khoảng hơi (cả trên và dưới nắp treo nếu có thể);

- Theo dõi được nhiệt độ của vỏ và đáy bồn chứa chính (để kiểm soát việc làm lạnh hay làm ấm).

7.2.1.5. Đề phòng cuộn xoáy

CHÚ THÍCH 1: Sự cuộn xoáy (xem 3.31) có thể xuất hiện khi các sản phẩm khác nhau về thành phần và tỉ trọng (ví dụ như LNG và LPG) được chứa trong một bể.

Sự cuộn xoáy có thể được phòng tránh theo cách sau:

- Sử dụng hệ thống đo tỉ trọng đảm bảo theo dõi được tỉ trọng trong toàn bộ chiều cao khối sản phẩm lỏng trong bể. Hệ thống đo tỉ trọng sẽ báo động nếu giá trị tỉ trọng vượt giá trị đặt sẵn nào đó. Trong trường hợp đó, phải có biện pháp phòng tránh hiện tượng cuộn xoáy (ví dụ khuấy trộn). Hệ thống đo tỉ trọng sẽ hoạt động độc lập với hệ thống đo mức chất lỏng của bể;

- Sử dụng hệ thống tuần hoàn liên tục hay tạm thời giữa phần trên và dưới của bể.

CHÚ THÍCH 2: Với các yêu cầu nêu trên, không cần phải thiết kế bể cho trường hợp xảy ra hiện tượng cuộn xoáy.

7.2.1.6. Cháy và rò khí

Cần chú ý lắp đặt các hệ thống phát hiện cháy và rò rỉ khí.

7.2.1.7. Hệ thống phát hiện rò rỉ của bồn chứa chính

Việc lắp đặt hệ thống phát hiện rò rỉ cho bồn chứa chính là cần thiết. Hệ thống này dựa trên các yếu tố:

- Sự giảm nhiệt độ;

- Phát hiện khí rò rỉ;

- Đo độ chênh áp.

7.2.1.8. Hệ thống theo dõi vùng cách nhiệt

Nếu khoảng cách nhiệt được bố trí tách biệt khỏi bồn chứa chính (ví dụ bể vách) thì cần phải lắp đặt hệ thống theo dõi. Hệ thống này có vai trò:

- Phân tích khí xả nhằm phát hiện hơi sản phẩm (vách bị rò);

- Thanh lọc khí trơ qua khoảng hơi cách nhiệt để đảm bảo trong suốt quá trình vận hành bình thường của bể nồng độ khí được duy trì ở mức thấp hơn 30 % so với giới hạn cháy dưới;

- Kiểm soát độ chênh lệch áp suất giữa khoảng hơi cách nhiệt và bồn chứa chính nhằm đảm bảo không gây hư hại cho vách. Hệ thống này phải được thiết kế “an toàn vận hành”.

7.2.2. Bảo vệ áp suất và độ chân không

7.2.2.1. Quy định chung

Với những bể chứa các sản phẩm có độc tính, không được thiết kế hệ thống xả khí ra môi trường.

Với những bể chứa các sản phẩm không có độc tính, giữa áp suất vận hành và áp suất thiết kế của bể phải có một độ chênh lệnh phù hợp nhằm tránh tình trạng xả khí không cần thiết.

Công suất xả (áp suất và chân không) được thiết kế dựa trên các diễn tiến của quá trình vận hành bình thường và bất thường. Cũng cần chú ý tới sự hư hỏng của các thiết bị được liên kết với nhau, ví dụ các nhà xưởng gia công, hệ thống thông gió hay cửa chớp,...

CHÚ THÍCH 1: Thông thường các van xả áp và chân không riêng biệt với nhau. Tuy nhiên có thể sử dụng kết hợp cả 2 loại trên.

Với bể chứa tổ hợp, hệ thống xả áp được thiết kế nhằm điều tiết lượng hơi phát sinh từ sự cố rò rỉ bể chứa trong.

CHÚ THÍCH 2: Một lỗ nhỏ đường kính 20 mm ở lớp đầu tiên của vỏ bể là phù hợp cho kích thước của hệ thống xả áp.

7.2.2.2. Van xả áp

Số lượng van yêu cầu được tính toán dựa trên tổng lượng hơi sản phẩm thoát ra và các điểm đặt xác định. Bên cạnh đó, cũng cần lắp đặt một van dự phòng phục vụ cho mục đích bảo trì.

Ống dẫn vào sẽ xuyên qua nắp treo (nếu có thể), do vậy ngăn chặn hơi lạnh xâm nhập vào khoảng ấm giữa nắp ngoài của bể và nắp treo trong quá trình xả áp.

7.2.2.3. Van xả chân không

Số lượng van yêu cầu được tính toán dựa trên tổng lượng không khí đi vào và các điểm đặt xác định. Bên cạnh đó, cũng cần lắp đặt một van dự phòng phục vụ cho mục đích bảo trì.

Van xả chân không cho phép không khí đi vào khoảng hơi ngay dưới nắp bể.

7.2.3. Phòng cháy

Cần phải quan tâm đến vấn đề phòng chống cháy. Các nguy cơ gây cháy có thể là:

- Cháy cục bộ;

- Cháy tại van xả;

- Cháy tại các thiết bị gần kề (kể cả bể chứa).

7.3. Tác động (tải trọng)

7.3.1. Quy định chung

Các tải trọng thông thường và tải trọng đặc biệt được liệt kê từ 7.3.2 tới 7.3.3.

7.3.2. Tải trọng thông thường

7.3.2.1. Tải trọng thường xuyên

Khối lượng bản thân của các bộ phận bê tông, thép, thành phần cách nhiệt, ống dẫn, khớp nối và các thành phần cố định khác. Các tác động cục bộ của dự ứng lực như vùng neo và ứng suất phá hủy bê tông, xem EN 1992-1-1:2004.

7.3.2.2. Tải trọng tạm thời

7.3.2.2.1. Tải trọng của sản phẩm

Tải trọng thủy tĩnh của sản phẩm trong bể.

Xem lại: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 4

Xem tiếp: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 6

Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 6

TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 6

Bài viết tiếp theo

Van thông hơi

Van thông hơi
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call