TCVN 8531:2010 - Phần 3
4.10.1. Khi xác lập các khe hở vận hành giữa các vòng bù độ mòn và giữa các bộ phận chuyển động khác phải quan tâm đến nhiệt độ bơm, điều kiện hút, tính chất của chất lỏng được bơm, các đặc tính giãn nở và mài mòn của các vật liệu và hiệu suất thủy lực.
Khe hở phải đủ để bảo đảm độ tin cậy của vận hành và không có sự kẹt dính trong các điều kiện vận hành bình thường.
4.10.2. Đối với các vật liệu gang, đồng, crom 11 % đến 13 % được tôi cứng và các vật liệu có xu hướng bị mài mòn thấp tương tự, phải sử dụng các khe hở nhỏ nhất cho trong Bảng 2. Đối với các đường kính lớn hơn 150 mm, khe hở nhỏ nhất theo đường kính phải là 0,43 mm + 0,025 mm đối với mỗi độ gia tăng đường kính 25 mm hoặc là một phần theo tỷ lệ với sự gia tăng đường kính. Đối với các vật liệu có xu hướng bị mài mòn lớn hơn và/ hoặc nhiệt độ vận hành vượt quá 260 °C thì phải cộng thêm vào 0,125 mm cho các khe hở theo đường kính này.
Khi sử dụng các vật liệu như gang và /hoặc đồng brông với các chất lỏng lạnh và sạch như nước ở nhiệt độ dưới 50 °C thì nhà sản xuất/nhà cung cấp có thể sử dụng các khe hở nhỏ hơn các khe hở của Bảng 2.
Bảng 2 - Khe hở vận hành nhỏ nhất
Kích thước tính bằng milimét
Đường kính của bộ phận quay tại khe hở | Khe hở nhỏ nhất theo đường kính |
50 | 0,25 |
50 đến 64,99 | 0,28 |
65 đến 79,99 | 0,30 |
80 đến 89,99 | 0,35 |
90 đến 99,99 | 0,40 |
100 đến 114,99 | 0,40 |
115 đến 124,99 | 0,40 |
125 đến 149,99 | 0,43 |
4.10.3. Các bạc giữa các cấp trên các bơm có nhiều cấp có thể có các khe hở tiêu chuẩn của nhà sản xuất/nhà cung cấp với điều kiện là các khe hở này được ghi rõ trong đề nghị.
4.10.4. Đối với các bơm trục đứng không áp dụng các khe hở vận hành quy định trong 10.4.2 cho các khe hở của các ổ trục cứng vững hoặc các bạc giữa các cấp nếu sử dụng các vật liệu có xu hướng bị mài mòn thấp. Các khe hở sử dụng phải được ghi rõ trong đề nghị.
4.11. Trục và ống lót trục
4.11.1. Yêu cầu chung
4.11.1.1. Trục phải có đủ kích thước và độ cứng vững để:
a) Truyền được công suất định mức của động cơ chính;
b) Bảo đảm được chất lượng sử dụng của cụm vòng bịt kín hoặc vòng bít:
c) Giảm tới mức tối thiểu sự mài mòn và rủi ro của sự kẹt;
d) Tính đến một cách thỏa đáng phương pháp khởi động và tải trọng quán tính có liên quan;
e) Tính đến một cách thỏa đáng lực đẩy hướng kính (tĩnh và động).
4.11.1.2. Trục của các bơm trục đứng phải là một chi tiết liền khối trừ khi có sự chấp nhận khác của khách hàng (do hạn chế về tổng chiều dài của trục hoặc do hạn chế trong vận chuyển bằng tàu).
4.11.2. Nhám bề mặt
Nhám bề mặt của trục hoặc ống lót tại chỗ lắp vòng bít, vòng bít cơ khí và vòng bít kín chất bôi trơn nếu có, không được lớn hơn 0,8 mm Ra trừ khi có yêu cầu khác đối với vòng bít. Việc đo độ nhám phải phù hợp với ISO 3274 (xem 4.11.7.1).
4.11.3. Độ võng của trục
Để có chất lượng sử dụng tốt của cụm vòng bít kín hoặc vòng bít, tránh gẫy trục và ngăn ngừa sự mài mòn hoặc kẹt bên trong, độ cứng vững của trục đối với các bơm một và hai cấp nằm ngang và các bơm trục đứng thẳng hàng phải giới hạn tổng độ võng của trục trong các điều kiện động học khốc liệt nhất trên toàn bộ đường cong cột áp-năng suất - ứng với bánh công tác có đường kính lớn nhất và tốc độ, chất lỏng quy định - tới giá trị lớn nhất là 50 mm tại mặt mút của cụm vòng bít (hoặc tại mặt mút của vòng bít cơ khí dùng cho các bơm có lắp vòng bít) và tới giá trị nhỏ hơn một nửa của khe hở nhỏ nhất theo đường kính tại tất cả các bạc và vòng bù độ mòn. Trên các bơm thẳng hàng (nối tiếp), độ cứng vững của tổng hệ trục, bao gồm cả khớp nối và động cơ, phải được bao gồm trong các tính toán.
Có thể đạt được độ cứng vững yêu cầu của trục bằng sự phối hợp đường kính trục, khẩu độ hoặc đoạn chia của trục và kết cấu của vỏ bơm (bao gồm cả việc sử dụng các vòng xoắn kép hoặc miệng lọc). Không xem xét đến việc đỡ bằng đệm kín quy ước khi xác định độ võng của trục.
4.11.4. Đường kính
Kích thước của các đầu mút trục nên phù hợp với ISO /R 775 và kích thước của then dùng cho các đầu mút trục nên phù hợp với ISO/R 773 khi thích hợp.
4.11.5. Độ đảo của trục
4.11.5.1. Trục phải được gia công cơ và gia công tinh chính xác trên suốt chiều dài trục.
4.11.5.2. Việc chế tạo và lắp ráp trục và ống lót, nếu được lắp, cần bảo đảm cho độ đảo (xem 3.23) tại một mặt phẳng hướng kính đi qua mặt mút ngoài của cụm vòng bít không lớn hơn 50 mm đối với đường kính danh nghĩa nhỏ hơn 50 mm, không lớn hơn 80 mm đối với đường kính danh nghĩa 50 mm đến 100 mm và không lớn hơn 100 mm đối với đường kính danh nghĩa lớn hơn 100 mm.
4.11.6. Sự dịch chuyển chiều trục
Sự dịch chuyển chiều trục của rôto cho phép bởi các ổ trục không được ảnh hưởng có hại đến chất lượng sử dụng của vòng bít cơ khí.
4.11.7. Ống lót trục
4.11.7.1. Ống lót trục khi được trang bị không được khóa hãm hoặc kẹp chặt trục. Các ống lót trục phải được làm bằng vật liệu chống mài mòn và khi cần thiết phải được làm bằng vật liệu chịu ăn mòn. Bề mặt ngoài của ống lót phải thích hợp với ứng dụng trong thực tế (xem 4.11.2).
4.11.7.2. Đối với các trục có yêu cầu vòng bít phải đi qua đoạn có ren thì đường kính ngoài của ren ít nhất phải nhỏ hơn đường kính trong của vòng bít là 1,5 mm và đường kính chuyển tiếp phải được vát cạnh một góc từ 150 đến 200 để tránh làm hư hỏng vòng bít.
4.11.7.3. Với sự chấp thuận của khách hàng, có thể không sử dụng ống lót cho các bơm lắp thẳng hàng và các bơm trục ngang nhỏ với điều kiện là yêu cầu này được ghi rõ trong đề nghị và trục được thiết kế bằng vật liệu có độ bền chịu mài mòn và ăn mòn tương tự như vật liệu làm ống lót và được gia công tinh tương tự như sự gia công tinh ống lót. Nếu không được lắp ống lót thì trục phải có các lỗ tâm để cho phép gia công tinh lại trục.
4.11.7.4. Trên một bơm được bố trí các vòng bít, đầu mút của cụm ống lót trục, nếu được lắp, phải kéo dài ra ngoài mặt mút ngoài của vòng chặn cái vòng bít. Trên một bơm được bố trí các vòng bít cơ khí, ống lót trục phải kéo dài ra ngoài nắp mặt mút của vòng bít. Trên các bơm có sử dụng một vòng bít phụ hoặc ống lót tiết lưu thì ống lót trục phải kéo dài ra ngoài nắp mặt mút của vòng bít. Sự rò gỉ giữa trục và ống lót không được lẫn lộn với rò gỉ qua cụm vòng bít hoặc các mặt của vòng bít cơ khí.
4.11.7.5. Trên các bơm trục ngang, các bạc tháo được của vỏ bơm và các ống lót trục giữa các cấp hoặc các chi tiết tương đương phải được trang bị tại tất cả các điểm giữa các cấp.
4.11.7.6. Trên các bơm trục đứng, phải trang bị các phục hồi hoặc thay mới được tại tất cả các điểm giữa các cấp và các điểm ổn định của ổ trục. Tuy nhiên tính chất của các chất lỏng được bơm (ví dụ, chất bẩn hoặc không có tính bôi trơn) có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các ống lót trục.
4.12. Ổ trục, thân ổ trục và bôi trơn
4.12.1. Ổ trục và thân ổ trục
4.12.1.1. Các ổ đỡ phải là các ổ sẵn có cho sử dụng, có kết cấu tiêu chuẩn (ổ bi, ổ đũa, ổ trượt hoặc ổ tự lựa) trừ khi có quy định khác của khách hàng. Các ổ trục chặn phải là các ổ lăn hoặc ổ thủy động theo yêu cầu.
4.12.1.2. Các ổ lăn phải được lựa chọn và phân loại phù hợp với TCVN 8029:2009 (ISO 76) và ISO 281. Cơ sở định mức tuổi thọ nhỏ nhất L10 phải là 3 năm (25 000 h) khi vận hành liên tục ở điều kiện định mức của bơm nhưng không nhỏ hơn 16 000 h ở các tải trọng trục và tải trọng hướng kính lớn nhất và tốc độ định mức trong phạm vi vận hành cho phép.
4.12.1.3. Các ổ lăn phải được lắp liên tục và trong thân ổ theo hướng dẫn của nhà sản xuất/nhà cung cấp ổ trục. Không được sử dụng vòng chặn đàn hồi tiếp xúc trực tiếp với các ổ trục để truyền lực đẩy từ trục đến mặt mút vòng trong của ổ trục chặn. Ưu tiên sử dụng các đai ốc hãm và vòng đệm hãm.
4.12.1.4. Phải sử dụng các ổ trục đỡ thủy động và/ hoặc ổ trục chặn trong các điều kiện sau:
a) Khi các tích số DN bằng 300 000 hoặc lớn hơn [tích số DN là tích của kích thước ổ trục (lỗ) tính bằng milimét và tốc độ định mức tính bằng vòng trên phút].
b) Khi tích số của công suất định mức đầu vào của bơm (tính bằng kilôoát) và tốc độ định mức (tính bằng vòng trên phút) bằng 2 x 106 hoặc lớn hơn;
c) Khi các ổ lăn tiêu chuẩn không đáp ứng được tuổi thọ cơ sở danh định cho trong 4.12.1.2.
4.12.1.5. Khi kết cấu bơm cho phép và có lý do chính đáng của điều kiện vận hành, các ổ trục đỡ thủy động nên có kết cấu tháo được để dễ dàng cho việc lắp ráp và phải có ống lót thuộc loại có lỗ chính xác hoặc có lớp lót babít thay thế được. Ổ trục phải được trang bị các chốt chống xoay và phải được kẹp chặt có hiệu quả theo chiều dọc trục. Kết cấu của ổ trục phải ngăn chặn được độ không ổn định thủy động và làm tắt dần tới mức đủ để hạn chế các dao động của bơm tới các biên độ lớn nhất đã quy định (xem 4.3.2.2 và 4.3.2.3) trong khi vận hành có tải hoặc không tải ở tốc độ vận hành quy định, bao gồm cả vận hành ở bất cứ tần số tới hạn nào. Các máng lót hoặc ống lót phải được lắp trong thân ổ tháo được theo chiều trục và phải thay thế được. Không được yêu cầu phải tháo ra nửa trên của vỏ bơm của một bơm tháo được theo chiều trục hoặc đầu của một bơm tháo được theo phương hướng kính để thay thế các chi tiết này. Kết cấu của ổ trục không được yêu cầu phải tháo bạc của khớp nối trục để cho phép thay thế ống lót hoặc máng lót ổ trục.
4.12.1.6. Các ổ trục chặn phải có cỡ kích thước để vận hành liên tục trong tất cả các điều kiện quy định, bao gồm cả các điều kiện như áp suất chênh lớn nhất bên trong. Phải xác định tất cả các tải trọng ở khe hở thiết kế bên trong. Theo hướng dẫn, nên lựa chọn các ổ trục chặn thủy động ở giá trị tính toán không lớn hơn 50 % giá trị tính toán của nhà sản xuất/nhà cung cấp ổ trục, và chúng phải thích hợp đối với kết cấu và ứng dụng của bơm.
Ngoài lực đẩy từ rôto và bất cứ phản lực nào của truyền động bên trong do các điều kiện vận hành khốc liệt nhất cho phép thì lực chiều trục được truyền qua khớp nối đàn hồi phải được xem là một phần của chế độ làm việc đối với bất cứ ổ trục chặn nào.
Ổ trục chặn phải cung cấp toàn bộ khả năng tải trọng nếu đảo chiều quay bình thường của bơm. Cần quan tâm tới kiểu bộ dẫn động, khớp nối và độ không thẳng hàng có thể xảy ra.
4.12.1.7. Ổ trục chặn thủy động phải được thiết kế để có khả năng chặn như nhau theo cả hai chiều và được bố trí để dầu bôi trơn được ép liên tục vào ổ từ mỗi phía (bên). Vòng chặn phải thay thế được khi có quy định của khách hàng và phải được hãm chặt có hiệu quả vào trục để ngăn ngừa sự gặm mòn. Khi được cung cấp các vòng chặn nguyên khối thì chúng phải có lượng dư bổ sung tối thiểu là 3 mm để gia công tinh lại khi vòng chặn bị hư hỏng. Cả hai mặt mút của vòng chặn phải có độ nhẵn bề mặt không vượt quá 0,4 mm, Ra, và tổng độ đảo mặt mút của mỗi mặt không vượt quá 13 mm.
4.12.1.8. Thân ổ dùng cho các ổ trục được bôi trơn bằng dầu không có áp lực phải có các lỗ nạp và xả dầu có đường kính tối thiểu là 15 mm, được tarô ren và bịt kín bằng mút. Thân ổ trục phải được trang bị cái tra dầu có mức không thay đổi được nối với bình chứa trong suốt (không chịu tác dụng của tia nắng mặt trời hoặc bị mờ đục do tác dụng của nhiệt hoặc bị hư hỏng). Cái tra dầu phải được lắp đặt tại một vị trí thích hợp trên thân ổ trục và được kẹp chặt có hiệu quả ở vị trí làm việc. Cái tra dầu phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng khi được quy định. Sự chỉ báo thường xuyên mức dầu thích hợp phải được định vị chính xác và đánh dấu rõ ràng ở bên ngoài thân ổ trục bằng nhãn bền lâu bằng kim loại, các dấu được khắc vào vật đúc hoặc các phương tiện bền lâu khác và phải định rõ mức nào biểu thị cho điều kiện đứng yên hoặc điều kiện vận hành.
4.12.1.9. Thân ổ trục dùng cho các ổ trục thủy động được thiết kế để bôi trơn có áp lực phải được bố trí để giảm tới mức tối thiểu sự tạo bọt. Hệ thống thải dầu phải đủ để giữ các mức dầu và bọt ở bên dưới các vòng bít đầu mút trục. Độ tăng của nhiệt độ dầu qua ổ trục và thân ổ trục không được vượt quá 30o C trong các điều kiện vận hành bất lợi nhất đã quy định khi nhiệt độ dầu vào là 40 °C. Khi nhiệt độ dầu vượt quá 50 °C thì phải có sự xem xét đặc biệt đến việc thiết kế ổ trục, lưu lượng dầu và độ tăng nhiệt độ cho phép. Đường dầu ra từ các ổ trục chặn phải tiếp tuyến với vòng điều chỉnh hoặc ống lót ổ trục chặn nếu không sử dụng các vòng điều chỉnh dầu.
4.12.1.10. Để ngăn ngừa sự tổn thất hoặc nhiễm bẩn, không được sử dụng các vòng bít hoặc các mối nối ren để tách ly chất lỏng làm mát hoặc chất lỏng làm nóng khỏi chất bôi trơn.
4.12.1.11. Tất cả các lỗ trong thân ổ trục, đặc biệt là sự bít kín giữa thân ổ trục và trục phải được thiết kế ngăn ngừa sự xâm nhập của các chất bẩn và sự rò chất bôi trơn trong các điều kiện vận hành bình thường.
4.12.1.12. Trong các vùng nguy hiểm, bất cứ cơ cấu nào để bít kín thân ổ trục cũng phải được thiết kế để không trở thành một nguồn gây cháy.
4.12.1.13. Thân ổ trục dành cho các ổ trục được bôi trơn bằng vòng văng dầu nên được trang bị phương tiện để cho phép kiểm tra bằng mắt các vòng văng dầu trong khi bơm vận hành.
4.12.1.14. Nếu có quy định của khách hàng, nhà sản xuất/nhà cung cấp phải cung cấp các bộ sấy nóng dầu khi nhiệt độ môi trường xung quanh hoặc nhiệt độ vận hành đòi hỏi.
4.12.1.15. Thân ổ trục phải được ưu tiên bố trí sao cho có thể thay thế được ổ trục mà không làm xáo lộn các truyền động hoặc thiết bị của bơm.
4.12.1.16. Phải có sự làm mát thích hợp, bao gồm cả dư lượng dự phòng cho sự tắc nghẽn để duy trì nhiệt độ của dầu dưới 70 °C đối với dầu thải ra trong các hệ thống bôi trơn có áp và dưới 80 °C đối với các hệ thống bôi trơn kiểu vòng văng dầu hoặc vòng văng phun tóe trong các điều kiện vận hành quy định và nhiệt độ môi trường xung quanh là 40 °C. Nếu sử dụng các ống xoắn làm mát (bao gồm cả các phụ tùng nối ống) thì chúng phải được làm bằng vật liệu không chứa sắt và không được có các mối nối hoặc phụ tùng nối chịu áp lực bên trong. Các ống xoắn phải có chiều dày tối thiểu của vật liệu là 1 mm và đường kính ngoài tối thiểu của ống là 12 mm.
4.12.2. Bạc dẫn hướng và ổ trục dùng cho bơm trục đứng có nhiều ổ trục
4.12.2.1. Khoảng cách lớn nhất giữa các bạc dẫn hướng của trục phải phù hợp với Hình 3, ngoại trừ các bơm kiểu công xôn. Nếu các bạc này là sản phẩm được bôi trơn thì chúng phải có độ bền chống ăn mòn và mài mòn thích hợp đối với sản phẩm và nhiệt độ quy định.
4.12.2.2. Các ổ trục chặn là phần cấu thành gắn liền với bộ dẫn động được nêu trong 4.2.1.2 ở đây ổ trục chặn gắn liền với một bơm trục đứng có nhiều ổ trục, phải áp dụng các đoạn văn bản trong 4.12.1 có liên quan đến các ổ trục chặn và thân ổ.
Hình 3 - Khoảng cách lớn nhất giữa các bạc dẫn hướng trục (bơm trục đứng có nhiều ổ trục)
4.12.3. Bôi trơn
4.12.3.1. Các ổ trục và thân ổ phải được bố trí để bôi trơn bằng dầu hoặc mỡ hydrocacbon trừ khi có quy định khác.
4.12.3.2. Phải cung cấp hệ thống bôi trơn có áp lực hoặc hệ thống bôi trơn bằng sương mù dầu nếu có quy định của khách hàng hoặc nếu có khuyến nghị của nhà sản xuất/nhà cung cấp và được khách hàng chấp thuận. Việc bôi trơn bằng dầu phải được bảo đảm ở mức không thay đổi bằng thiết bị bôi trơn.
4.12.3.2.1. Nếu cần đến một hệ thống bôi trơn có áp lực thì hệ thống này phải có ít nhất là một bơm dầu với một lưới lọc trên đường hút và /hoặc bộ lọc, một hệ thống cấp dầu và hồi dầu, một bộ làm mát dầu khi có yêu cầu, một thùng chứa đầu, một bộ lọc toàn dòng và phương tiện để bôi trơn trước khi một bơm vận hành và tất cả các bộ phận điều khiển và dụng cụ cần thiết, bao gồm bộ phận báo động áp suất dầu thấp và dừng máy (xem G.6).
4.12.3.2.2. Khi có yêu cầu của khách hàng, phải trang bị một bộ phận đốt nóng bằng hơi nước tháo được ở bên ngoài cho thùng chứa dầu hoặc một bộ nung điện đặt chìm có điều chỉnh ổn nhiệt để đốt nóng dung lượng dầu nạp vào trước khi khởi động trong mùa đông. Thiết bị đốt nóng phải có đủ công suất để đốt nóng dầu trong thùng chứa từ nhiệt độ nhỏ nhất quy định tại môi trường xung quanh của hiện trường tới nhiệt độ yêu cầu cho khởi động của nhà sản xuất/nhà cung cấp trong khoảng thời gian 4 h khi hệ thống bôi trơn bằng dầu vận hành.
4.12.3.2.3. Phải trang bị một thùng chứa dầu có các đặc tính được quy định trong các mục a) đến f) dưới đây:
a) Có khả năng cung cấp một thời gian lưu giữ tối thiểu là 3 min để tránh sự nạp đầy lại thường xuyên và để có đủ năng lượng dư cho các dung lượng của hệ thống khi được thải;
b) Có phương tiện để loại bỏ không khí và giảm tới mức tối thiểu sự trôi nổi của vật lạ đến đường hút của bơm;
c) Có các đầu nối để nạp dầu, các dụng cụ chỉ báo mức dầu và các lỗ thông hơi thích hợp cho sử dụng ở ngoài trời;
d) Có đáy dốc và đấu nối để thải (xả) hoàn toàn khỏi thùng chứa;
e) Có các lỗ để làm sạch bên trong có kích thước thích hợp cho sử dụng;
f) Có thể làm sạch gỉ, bảo vệ chống gỉ và phủ bề mặt bên trong bền lâu theo quy trình tiêu chuẩn của nhà sản xuất/nhà cung cấp nếu không có quy định nào khác.
4.12.3.2.4. Cái văng dầu, hoặc vòng văng dầu phải có cạnh dưới của cái văng dầu hoặc cạnh dưới của lỗ vòng văng dầu được nhúng chìm trong dầu.
Cái văng dầu phải có may ơ được lắp với trục để duy trì độ đồng tâm và phải được kẹp chặt chắc chắn với trục.
4.12.3.2.5. Nhà sản xuất/nhà cung cấp phải công bố trong sách hướng dẫn vận hành về lượng dầu bôi trơn yêu cầu và đặc tính kỹ thuật của dầu bôi trơn, có quan tâm đến điều kiện phục vụ và điều kiện môi trường xung quanh.
4.12.3.2.6. Tham chiếu 4.14.3 về các yêu cầu của đường ống dẫn dầu bôi trơn.
4.12.3.3. Khi sử dụng các ổ trục có thể tra mỡ lại thì phải cung cấp dụng cụ xả mỡ cũ.
4.13. Sự bịt kín trục
4.13.1. Yêu cầu chung
Khi trục của bơm được bít kín, kết cấu bơm phải cho phép sử dụng một hoặc nhiều đệm kín khác nhau sau:
- Vòng bít mềm (P);
- Một vòng bít cơ khí (S);
- Nhiều vòng bít cơ khí (D).
Như đã chỉ dẫn trong Phụ lục F. Nếu cần thiết phải thay thế một phương án bố trí vòng bít khác thì yêu cầu này phải do khách hàng quy định. Việc sử dụng các cơ cấu bít kín khác (ví dụ vòng bít khuất khúc, vòng bít thủy động, khớp trục từ tính) phải có sự thỏa thuận cùng nhau của các bên có liên quan. Trong một số trường hợp có sơ đồ bố trí để tôi có thể trở thành cần thiết và cũng được chỉ dẫn trong Phụ lục F. Phải cung cấp các bộ phận để hạn chế, thu gom và thải toàn bộ chất lỏng rò gỉ khỏi khu vực được bít kín, đặc biệt là nếu các vòng bít cơ khí có sự rò gỉ được kiểm soát.
Phải đưa ra các thông tin sau trong tờ dữ liệu (xem Phụ lục A):
- Sơ đồ bít kín trục, (như đã quy định trong Phụ lục F);
- Đối với các vòng bít cơ khí:
Kiểu:
Được cân bằng (B)
Không được cân bằng (U)
Ống xếp (Z)
Kích thước: Đường kính danh nghĩa của trục hoặc ống lót, tính bằng milimét, dựa trên cơ sở đường kính ống trục đi qua vòng đứng yên (xem ISO 3069);
- Đối với cụm vòng bít:
Kích thước: Đường kính của khoang vòng bít như đã quy định trong ISO 3069.
4.13.2. Chuẩn vận hành dùng để lựa chọn
Các chuẩn vận hành chính dùng để lựa chọn các vòng bít cơ khí và các vòng bít mềm là
- Các tính chất hóa học và vật lý và bản chất của chất lỏng được bơm;
- Áp suất bịt kín nhỏ nhất và lớn nhất mong đợi;
- Nhiệt độ của chất lỏng tại vòng bít;
- Các điều kiện vận hành đặc biệt (bao gồm khởi động, dừng máy, các thay đổi đột ngột về nhiệt và cơ v.v...)
- Đường kính và tốc độ của trục;
Và một chuẩn bổ sung cho các vòng bít cơ khí;
- Chiều quay của bơm.
4.13.3. Vòng bít cơ khí
4.13.3.1. Kiểu và sơ đồ bố trí
Các vòng bít cơ khí phải là các vòng bít thuộc kiểu được cân bằng. Các vòng bít không được cân bằng chỉ được cung cấp khi có quy định của khách hàng hoặc được khách hàng chấp thuận.
Tiêu chuẩn này không quy định kết cấu các chi tiết của vòng bít cơ khí, tuy nhiên các chi tiết này phải thích hợp để chịu được các điều kiện vận hành được quy định trong tờ dữ liệu (xem Phụ lục A).
Việc thiết kế vòng bít cơ khí phải tính đến việc điều chỉnh chiều trục của trục và sự dịch chuyển của trục trong điều kiện bình thường.
Sơ đồ bố trí (ví dụ, một hoặc nhiều vòng bít cơ khí) phải được thỏa thuận các bên có liên quan (xem Phụ lục F).
Nếu bơm vận chuyển chất lỏng gần điểm sôi của chất lỏng thì áp suất trong khoang vòng bít cơ khí phải vượt quá áp suất đầu vào hoặc nhiệt độ ở ngay trong vòng lân cận của vòng bít phải thấp hơn nhiệt độ bốc hơi để ngăn ngừa sự bốc hơi tại các mặt mút của vòng bít.
Nếu áp dụng sơ đồ bố trí lưng đối lưng của nhiều vòng bít cơ khí thì lớp chất lỏng bị chắn giữa các vòng bít phải thích hợp với quá trình và phải có áp suất cao hơn áp suất bít kín.
Nếu sơ đồ bố trí lưng đối lưng của nhiều vòng bít cơ khí được lắp đặt thì vòng đứng yên trên phía bánh công tác phải được kẹp chặt sao cho không thể dịch chuyển được do sự giảm áp suất của lớp chất lỏng bị chắn.
Đối với các bơm vận hành ở các nhiệt độ dưới 0 °C, có thể phải áp dụng sơ đồ bố trí có quá trình tôi để ngăn ngừa sự tạo thành băng.
4.13.3.2. Yêu cầu về làm mát hoặc đốt nóng
Nếu chế độ làm việc có yêu cầu, phải trang bị các áo bọc các khoang vòng bít của bơm. Các yêu cầu về làm mát (hoặc đốt nóng) đối với bơm có lắp các vòng bít cơ khí phải theo sự thỏa thuận chung giữa khách hàng, nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm và nhà sản xuất/nhà cung cấp vòng bít.
Theo hướng dẫn, các áo bọc thường được yêu cầu cho các điều kiện và sự phục vụ quy định trong các mục a) đến e) dưới đây:
a) Nhiệt độ chất lỏng vượt quá 150 °C, trừ khi sử dụng các vòng bít cơ khí kiểu ống xếp;
b) Nhiệt độ chất lỏng vượt quá 315 °C;
c) Các sơ đồ bố trí vòng bít kín mít;
d) Các chất lỏng có điểm bốc cháy thấp;
e) Các chất lỏng có điểm nóng chảy cao (đốt nóng).
4.13.3.3. Vật liệu
Phải lựa chọn vật liệu thích hợp cho các chi tiết của vòng bít để chịu được sự ăn mòn, sự xói mòn, nhiệt độ, ứng suất nhiệt và ứng suất cơ v.v... Đối với các vòng bít cơ khí, các chi tiết kim loại bị chất lỏng được bơm làm ướt phải có chất lượng vật liệu ít nhất là tương tự với chất lượng vật liệu của vỏ bơm (xem Điều 5) về cơ tính và độ bền chống ăn mòn.
Phải sử dụng mã vật liệu trong Bảng J.2 (Phụ lục J) để ký hiệu cho các chi tiết của vòng bít cơ khí trong tờ dữ liệu (Phụ lục A).
4.13.3.4. Đặc điểm về kết cấu
4.13.3.4.1. Phải có phương tiện để định tâm tấm mặt nút của vòng bít so với lỗ của khoang vòng bít. Để đạt được yêu cầu này, phương pháp chấp nhận được là lắp một nắp chặn theo đường kính trong hoặc đường kính ngoài.
4.13.3.4.2. Tấm mặt nút của vòng bít phải có đủ độ cứng vững để tránh bị cong vênh. Thân nắp vòng bít và tấm mặt nút bao gồm cả các bulông kẹp chặt (xem 4.4.4.5) phải được thiết kế theo áp suất vận hành cho phép ở nhiệt độ vận hành và tải trọng yêu cầu trên mặt tựa đệm kín.
4.13.3.4.3. Các đệm kín giữa thân lắp vòng bít và vòng bít đứng yên (vòng tựa và/ hoặc vòng chịu tải trọng lò xo) hoặc tấm mặt nút của vòng bít phải được hạn chế ở phía bên ngoài hoặc có kết cấu tương đương để ngăn ngừa sự bung ra.
4.13.3.4.4. Tất cả các chi tiết của vòng bít đứng yên bao gồm các tấm mặt mút của vòng bít phải được bảo vệ tránh sự tiếp xúc bất ngờ với trục hoặc ống lót và tránh chuyển động quay. Trong trường hợp một chi tiết vòng bít đứng yên (vòng tựa và/ hoặc vòng chịu tải trọng lò xo) tiếp xúc với trục hoặc ống lót thì bề mặt tiếp xúc với vòng bít phải đủ cứng và chịu ăn mòn. Phải có đầu vào và loại bỏ các cạnh sắc để tránh hư hỏng cho vòng bít trong quá trình lắp ghép.
4.13.3.4.5. Dung sai gia công cơ khoang vòng bít và tấm mặt mút của vòng bít phải hạn chế độ đảo mặt mút ở vòng bít đứng yên (vòng tựa hoặc vòng chịu tải trọng lò xo) của vòng bít cơ khí tới các giá trị lớn nhất cho phép do nhà sản xuất/nhà cung cấp đưa ra.
4.13.3.4.6. Nếu trang bị một ống lót tiết lưu trong tấm mặt mút để giảm tới mức tối thiểu sự rò gỉ do vòng bít bị hư hỏng hoàn toàn hoặc để giám sát đường chất lỏng đến thì khe hở theo đường kính tính bằng milimét giữa ống lót và trục nên là nhỏ nhất và không có trường hợp nào được lớn hơn.
4.13.3.4.7. Phải trang bị một ống lót đệm theo quy định của khách hàng hoặc khuyến nghị của nhà sản xuất/nhà cung cấp. Các ống lót đệm được dùng để tăng áp suất trong cụm vòng bít, cách ly chất lỏng hoặc giảm lưu lượng vào hoặc ra khỏi khoang vòng bít.
4.13.3.4.8. Khi phải tránh rò gỉ thì cần phải có một vòng bít phụ (ví dụ nhiều vòng bít) (xem Phụ lục F).
4.13.3.4.9. Khoang vòng bít phải được thiết kế để ngăn ngừa sự giữ lại hơi (xem 4.5.2.1) khi có thể thực hiện được. Nếu yêu cầu này không thể thực hiện được thì khoang vòng bít phải được thông hơi do người vận hành thực hiện, phương pháp thực hiện việc thông hơi này phải được nêu trong sách hướng dẫn sử dụng.
4.13.3.4.10. Chất lỏng đi vào và đi ra khỏi khoang vòng bít, nếu cần thiết phải càng gần với các mặt mút của vòng bít càng tốt, ưu tiên là ở phía vòng có chuyển động quay (vòng chịu tải trọng lò xo và/ hoặc vòng tựa).
4.13.3.4.11. Các lỗ có thể được khoan và tarô, thậm chí cũng không yêu cầu phải có đầu nối (xem 4.5.2 và 4.5.4) trừ khi có sự thỏa thuận khác.
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn