Tham vọng của đại gia Hàn Quốc thâu tóm Cầu Tre
23/05/2017
CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) vừa trở thành cổ đông lớn nhất Công ty cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre. Đây là kết quả của thương vụ mua bán và sáp nhập kéo dài hơn 5 tháng, sau khi doanh nghiệp này thất bại trong cuộc đua nắm quyền sở hữu tại Vissan vào giữa năm ngoái.
Đại gia Hàn Quốc bắt đầu đưa Cầu Tre vào tầm ngắm, sau đó tăng tỷ lệ sở hữu tại đây từ cuối 2016 khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ 3 cổ đông lớn theo phương thức thỏa thuận không công khai. Ngay sau đó, CJ Cheiljedang được đại hội cổ đông bất thường chấp thuận việc đưa 4 nhân sự vào những vị trí quản lý chủ chốt.
Doanh nghiệp này nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm nay, tiếp đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ từ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) để nắm giữ tỷ lệ như hiện tại.
CJ Cheiljedang cho thấy quyết tâm thâu tóm Cầu Tre nhằm mở rộng chuỗi liên kết và phân phối trong ngành thực phẩm khi chấp nhận trả 80.000 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên đấu giá cuối cùng, cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 65.000 đồng.
Một số chuyên gia nhận định, tuy chỉ chiếm 2,8% thị phần nội địa nhưng điểm hấp dẫn của Cầu Tre là sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, kênh tiêu thụ rộng khắp thông qua đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và kinh nghiệm vận hành hệ thống sản xuất hơn 35 năm. Ngoài ra, việc doanh nghiệp này có sản lượng xuất khẩu ổn định sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới cũng góp phần củng cố vị thế của đại gia Hàn Quốc trong ngành thực phẩm đông lạnh.
Hoàn tất thâu tóm Cầu Tre giúp CJ củng cố vị thế trong ngành thực phẩm.
Bà Trần Thị Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cầu Tre nhận định, việc CJ Cheiljedang trở thành cổ đông chiến lược là "một chương mới trong lịch sử phát triển của Cầu Tre". Doanh nghiệp này sẽ thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt, dựa trên tình hình thực tế về cơ cấu nhân sự quản lý chủ chốt và chiến lược kinh doanh, như thay đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn…
Đồng thời, dự án nhà máy chế biến thực phẩm mới tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn được phía CJ Cheiljedang cho vay, bên cạnh huy động từ chuyển quyền sử dụng khu đất hiện hữu, vay vốn ngân hàng.
Dự kiến sau khi tiếp nhận khoản đầu tư lớn, Cầu Tre sẽ tập trung đổi mới về công nghệ chế biến, nhận diện thương hiệu và phát triển kênh bán lẻ nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này đặt mục tiêu lỗ trước thuế năm nay gần 25 tỷ đồng và nối dài chuỗi ba năm liền kinh doanh tuột dốc. Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn, ban lãnh đạo công ty và phía cổ đông CJ Cheiljedang đều cam kết cải thiện biên lợi nhuận mảng kinh doanh chính, tỷ lệ chia cổ tức và đưa thương hiệu Cầu Tre dẫn đầu thị phần khu vực.
Tập đoàn CJ thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần mảng thực phẩm ở Việt Nam.
Trước thương vụ thâu tóm Cầu Tre, tập đoàn CJ đã tham gia vào cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần và bành trướng mảng thực phẩm tại Việt Nam suốt 4 năm liên tiếp. Ban đầu, một công ty thành viên của CJ liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm nhằm phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng.
Đầu năm 2016, sau thời gian đàm phán kéo dài, tập đoàn này đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và từng bước thâm nhập hệ thống bán lẻ với những sản phẩm truyền thống như kim chi, nước sốt BBQ, rong biển...
Để phục vụ cho hoạt động sản xuất kim chi, doanh nghiệp này quyết định chi 2,1 triệu USD kết hợp với nông dân tỉnh Ninh Thuận trồng 10ha ớt. Ông Chang Bok Sang, Tổng giám đốc CJ Việt Nam từng tiết lộ dự định xây dựng nhà máy sản xuất bột ớt ngay tại đây nhằm bao tiêu sản phẩm, chế biến và xuất khẩu ngược lại cho thị trường Hàn Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, trong năm qua, tập đoàn còn thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Nổi bật trong số này là việc mua lại 64,9% cổ phần (tương đương hơn 300 tỷ đồng) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đông lạnh dạng viên.
Sau gần hai thập kỷ vào Việt Nam, doanh thu của tập đoàn đã cán mốc 17.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm trước. Lợi nhuận năm qua ước tính khoảng 834 tỷ đồng. Trong đó, nhóm thực phẩm đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lên đến 86% trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. Đây cũng được dự báo là nhóm ngành hàng giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất của CJ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập đã lên đến con số 900 triệu USD. Đáng chú ý, mức vốn đầu tư trong năm qua chiếm tới 500 triệu USD.
Đối với mảng giải trí, sau nhiều năm lợi nhuận liên tục sụt giảm, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV VN) - đơn vị sở hữu chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất cả nước, chiếm quá nửa thị trường chiếu phim Việt Nam vừa ghi nhận kết quả tăng trưởng đột biến gấp 3 lần năm ngoái. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.823 tỷ đồng và 93,4 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực logistics, tập đoàn này đã đầu tư phát triển dịch vụ điểm thông quan nội địa ở cảng Thanh Phước (Tây Ninh) giúp giải phóng hàng nhanh, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, thủ tục hải quan.
Đối với nông nghiệp, CJ đã đầu tư xây dựng loạt nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chuỗi trang trại heo, gà tại Hà Nam, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu… Hiện công ty con của tập đoàn đang đứng vị trí thứ 7 trên thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Nguồn: HONTO sưu tầm từ internet./.
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn