TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 15
5.5.6. Khoan mặt bích
Mặt bích sử dụng trong tất cả các kết nối, trừ cửa kiểm tra trên vỏ bể và nắp, phải được chế tạo và khoan theo đúng quy trình tối thiểu là phù hợp với loại 150 của EN 1759-1:2004. Chiều của các bích đối tiếp phải được kiểm tra sự tương thích.
5.5.7. Xử lý nhiệt sau hàn cho ống nối
Ống nối phải được xử lý nhiệt sau hàn theo đúng quy trình trong 8.4.
5.6. Bể chứa chính và phụ, các liên kết phần đáy
Nếu sử dụng các kết nối đáy bồn chứa chính/phụ, phải chú ý tới các vấn đề sau:
- Độ lún chênh lệch của bể chứa;
- Độ co ngót chênh lệch của bể chứa trong so với bể chứa ngoài;
- Lỗ mở để lắp ống nối phải được gia cố (sử dụng tấm kép, tấm lót hoặc tấm hình khuyên dày);
- Giảm thiểu diện tích khu vực xung quanh ống nối không được nâng đỡ;
- Vùng bao quanh ống nối và ống phải được chèn vật liệu cách nhiệt phù hợp và phải lắp đặt bộ phận sưởi đáy tập trung .
5.7. Kết nối giữa các bồn chứa
Phải chú ý các vấn đề sau đây:
- Lực thủy tĩnh và nhiệt gây ra bởi chuyển động tương đối giữa bể chứa trong và ngoài;
- Cầu cách nhiệt phải được xem xét trong liên kết giữa bể chứa trong và ngoài;
CHÚ THÍCH: Các liên kết hấp thụ biến dạng (ví dụ như các vòng đệm dẻo) có thể được sử dụng để đảm bảo các chuyển động tương đối không gây nên các ứng suất cục bộ không chấp nhận được cho bể chứa trong và/hoặc ngoài.
- Các khớp nối bích không được đặt ở khoảng vành khuyên không thể tiếp cận giữa vỏ bên trong và bên ngoài;
- Liên kết giữa các lỗ mở trên nắp của bể chứa trong và ngoài phải được thiết kế sao cho có thể điều tiết được các chuyển động tương đối giữa các nắp bể.
Các kết nối đi qua nắp treo phải có khả năng dịch chuyển tự do qua nắp treo, do đó loại bỏ được các tải trọng bổ sung tác động lên nắp ngoài và nắp treo.
5.8. Các chi tiết khác
5.8.1. Neo giữ bể
Các vấn đề sau phải được xem xét khi thiết kế neo bể chứa:
- Cả bể chứa trong và ngoài đều phải được thiết kế một cách độc lập cho tất cả các tổ hợp của các tác động nhằm thiết lập được các điều kiện xấu nhất của hiện tượng nâng lên của bể;
- Nếu neo của bể trong được gắn xuyên qua đáy bể chứa ngoài, phải chú ý tới thiết kế của neo này nhằm đảm bảo độ kín khít đối với chất lỏng của đáy bể và độ dẻo để điều tiết linh hoạt các chuyển dịch do chênh lệch nhiệt độ trong tất cả các điều kiện thiết kế;
- Các điểm neo phải được bố trí cách đều nhau trên chu vi của bể, khoảng cách tối đa giữa hai điểm neo là 3 m;
- Trong điều kiện vận hành bình thường, không được phép có bất kỳ một lực căng nào xuất hiện trên thanh neo. Hệ thống neo giữ chỉ được phép phát huy tác dụng khi có một lực nâng xuất hiện trên thành của bồn chứa. Phải dùng các phương pháp kiểm tra nhằm đảm bảo các bulông của hệ thống neo không bị lỏng ra hay hoạt động kém trong suốt tuổi thọ theo thiết kế của bể;
- Kết nối của thanh neo vào vỏ bể và móng phải được thiết kế cho khả năng đàn hồi hoàn toàn của bulông neo hoặc đai neo;
- Trước khi nghiệm thu, thiết kế hệ thống neo phải cho phép điều chỉnh được nếu có lún;
- Thiết kế hệ thống neo phải tính toán đến hiện tượng uốn gây ra bởi chuyển động nhiệt;
- Hệ thống neo không được phép gắn trực tiếp vào vỏ bể mà phải được gắn vào miếng đệm hoặc khung giá đỡ. Tất cả các thanh neo, bulông hay đai đeo phải có diện tích tiết diện tối thiểu là 500 mm2;
- Với các thanh neo, bulông hay đai neo tiếp xúc trực tiếp với môi trường, bổ sung ăn mòn tối thiểu phải là 1 mm;
- Cần cho cầu cách nhiệt. Nhiệt truyền các phần lạnh hơn của kết cấu và móng bể phải được giới hạn sao cho sự hình thành băng không gây ra hư hỏng cho hệ thống neo và bể chứa.
5.8.2. Ghi nhãn cho bể
Các tấm nhãn gắn trên mỗi bể phải cung cấp các thông tin tối thiểu sau:
- Tên nhà chế tạo;
- Số seri của bể;
- Năm sản xuất;
- Tiêu chuẩn/quy chuẩn thiết kế;
- Số hiệu bể, xưởng, nhà máy,...;
- Tỷ trọng và nhiệt độ thiết kế của sản phẩm;
- Áp suất thiết kế tối đa;
- Mực chất lỏng thiết kế tối đa;
- Dung tích bể.
- Chế tạo
6.1. Xử lý vật liệu
Tất cả các tấm vật liệu sử dụng cho bồn chứa chất lỏng chính và phụ phải được bảo quản và cất giữ riêng biệt sao cho chúng không bị lẫn lộn vào nhau. Cũng phải có các biện pháp phù hợp để bảo vệ vật liệu khỏi các yếu tố thời tiết. Vật liệu phải được ghi chú rõ ràng (gắn nhãn) là vật liệu dùng cho nhiệt độ thấp.
Thép không gỉ phải được cất giữ và xử lý với các thiết bị phù hợp để tránh bị nhiễm bẩn bề mặt vật liệu. Không được phép có bất kỳ một sự tiếp xúc nào với kẽm, các công cụ mạ kẽm,...
Từ tính của thép 9 % nikel phải được loại bỏ. Khi được vận chuyển tới công trình, độ cảm ứng từ dư của vật liệu không được phép lớn hơn 50 gauss.
CHÚ THÍCH: 1 gauss = 10-4 tesla.
Các que hàn phải được bảo vệ và cất giữ theo quy trình phù hợp với các điều kiện được quy định trong các tiêu chuẩn về que hàn và/hoặc khuyến cáo của nhà cung cấp.
Sau quá trình lắp đặt bể chứa, phải đảm bảo nhãn ghi chú trên vật liệu (được đặt hàng cùng với giấy chứng nhận theo EN 10204:2004, loại 3.1 và cao hơn) không bị che lấp hay bị mờ. Trong trường hợp nhãn bị mờ trong quá trình chế tạo, phải có ít nhất một nhãn được bố trí ở vị trí có thể nhìn thấy được sau khi bể hoàn thành.
CHÚ THÍCH: Phương pháp gắn nhãn phổ biến là phương pháp khắc nhãn, sử dụng các khuôn ứng suất thấp với bán kính tối thiểu là 0,25 mm. Tuy nhiên, phương pháp này là không thích hợp với các tấm cổ chiều dày nhỏ hơn 6 mm. Có thể dùng sơn hoặc mực đánh dấu.
6.2. Chế tạo và dung sai của tấm
6.2.1. Các tấm vỏ bể
Các mép cắt bằng nhiệt phải được mài sáng và hoàn toàn không có chỗ bị oxy hóa hay vảy kim loại.
Dung sai phải được quy định cụ thể dựa trên quá trình gia công thép, quy trình chế tạo tại xưởng và phương pháp lắp đặt được đề xuất. Độ rộng tối đa của vòng vỏ bể có dung sai 4 mm so với giá trị sử dụng trong thiết kế.
Đối với bể vách, các tấm thép phải được cán nguội và không có các khuyết tật có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
6.2.2. Tấm hình khuyên
Cạnh ngoài và hai cạnh ngắn của tất cả các tấm hình khuyên phải được kiểm tra độ tách lớp bằng siêu âm cho bể rộng 150 mm sau khi được chế tạo theo quy trình phù hợp với EN 10160:1999, cấp S2.
6.2.3. Ống nối
Nếu các cổ ống nối trong bể chứa chất lỏng chính và phụ được chế tạo từ thép cán, các mối hàn dọc trên cổ ống nối phải được kiểm tra 100 % bằng tia bức xạ hoặc siêu âm.
Nếu các cổ ống nối gắn vào vỏ bể được chế tạo từ các tấm thép cacbon dày 25 mm hoặc hơn, phải dùng siêu âm để kiểm tra độ tách lớp tại các vị trí vỏ bể và tấm gia cố được hàn vào ống nối.
Nếu các mặt bích được chế tạo từ thép tấm, phương pháp kiểm tra bằng siêu âm phải được tiến hành phù hợp với EN 10160:1999 để bảo đảm hoàn toàn không xảy ra hiện tượng tách lớp.
Các mặt bích trượt phải được hàn từ hai bên.
Tất cả các mặt bích cổ ổng hàn phải có mối hàn giáp mép ngấu hoàn toàn.
6.2.4. Các tấm gia cố
Các tấm gia cố được định hình phù hợp sao cho khi lắp ráp, chúng có cùng độ cong với lớp vỏ bể mà chúng hàn vào.
Tất cả các tấm gia cố ống nối phải có ít nhất một lỗ thăm có ren dùng cho mục đích kiểm tra.
6.3. Dung sai
6.3.1. Dung sai ngoại biên của móng
Trong trường hợp sử dụng dầm xuyến bê tông đặt bên dưới vỏ bể, mặt trên của dầm có dung sai cao trình là ±3 mm trong bất kỳ khoảng độ dài 10 m nào của chu vi (được tính từ độ cao trung bình) và trong khoảng ±6 mm trong toàn bộ chu vi vỏ bể tính từ độ cao trung bình.
Nếu sử dụng bản đáy bằng bê tông, vùng 300 mm bên trong và 300 mm bên ngoài của vỏ bể phải tuân theo dung sai cao trình của dầm xuyến bê tông.
6.3.2. Các dung sai bề mặt móng khác
Tất cả các sai số, tính với tấm dài 3 m, đều không được lớn hơn 15 mm.
6.3.3. Dung sai tấm đáy bể
Các biến dạng cục bộ của tấm đáy phải được giảm thiểu bằng cách kiểm soát trình tự hàn hay lắp đặt các tấm tăng cứng tạm thời,... Các biến dạng này không được vượt quá 75 mm trên một khoảng cách nhỏ hơn 3 m.
6.3.4. Kết nối vỏ bể với đáy
Sau khi lắp ráp và hàn lớp vỏ bể đầu tiên vào đáy, dung sai bán kính trong của vỏ bể đo theo chiều ngang ở độ cao 300 mm tính từ đáy bể, phải nằm trong giới hạn nêu ở Bảng 9. Phép đo phải được thực hiện ở tâm của mỗi tấm vỏ bể.
Bảng 9 - Dung sai bán kính bể
Đường kính, D m | Dung sai bán kính mm |
D ≤ 12 | ± 12 |
12 < D ≤ 46 | ± 19 |
46 < D ≤ 76 | ± 25 |
76 < D | ± 30 |
6.3.5. Độ ôvan
Độ sai lệch giữa đường kính tối đa và tối thiểu tại độ cao bất kỳ trên vỏ bể không được phép vượt quá 1 % đường kính hoặc 300 mm, tùy giá trị nào nhỏ hơn.
6.3.6. Biến dạng cục bộ trên tấm
Biến dạng cục bộ của các tấm vỏ bể phải được kiểm tra bằng một thước thẳng 1 m theo phương thẳng đứng và một tấm mẫu dài 1 m theo phương ngang. Các tấm mẫu dùng cho các phép đo theo phương ngang phải được chế tạo phù hợp với bán kính thiết kế của bể.
Độ sai lệch tối đa giữa mẫu thiết kế và mẫu được chế tạo phải phù hợp với Bảng 10.
Bảng 10 - Độ sai lệch tối đa giữa mẫu thiết kế và mẫu được chế tạo
Chiều dày tấm, e mm | Độ chênh lệch mm |
e ≤ 12,5 | 16 |
12,5 < e ≤ 25,0 | 13 |
25,0 < e | 10 |
Xem lại: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 14
Xem tiếp: TCVN 8615-2:2010 - PHẦN 16
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn