Cà phê đang bị đe dọa-Mùi vị cà phê đang thay đổi khi trái đất ấm lên
21/06/2017
Sản xuất cà phê ở Ethiopia, nơi sinh của cà phê Arabica, có thể gặp rủi ro trong thế kỷ sau, theo một báo cáo mới.
“Ở Ethiopia và toàn thế giới, nếu ta không làm gì, cà phê sẽ ít đi, hương vị kém hơn, tốn tiền hơn,” theo lời nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Aaron Davis.
Mặc dù tình trạng thiếu cà phê tức thì ít khả năng xảy ra, sau hai năm sụt giảm, lượng sản xuất toàn cầu được cho là sẽ tăng trong năm nay, theo các dự đoán từ cơ quan thương mại xuyên quốc gia - Tổ chức Cà phê Quốc tế - nhưng nhìn dài hạn thì có lý do để đáng quan ngại cho cả trồng cà phê lẫn người tiêu dùng.
Ngoài lo ngại về thay đổi khí hậu lâu dài, lo ngại ban đầu về thời tiết ở Brazil và Việt Nam đã giảm bớt. Tuy vậy, vẫn còn lo ngại rằng thời tiết trong vài tháng tới có thể khiến khan hiếm hàng.
Tuy nhiên, triển vọng lâu dài mới gây lo ngại nhiều hơn cho người trồng và người uống cà phê.
Tiến sĩ Tim Schilling, giám đốc Viện nghiên cứu Cà phê Thế giới, một tổ chức do ngành cà phê tài trợ, nói: "Nguồn cung cấp cà phê chất lượng cao đã bị đe dọa nặng nề do biến đổi khí hậu, sâu bệnh, áp lực lên đất đai và thiếu nhân lực - và nhu cầu cần loại cà phê này đang gia tăng mỗi năm".
"Kết quả rất lôgic của điều đó là giá cả sẽ phải tăng lên," ông nói thêm.
Ethiopia: Quê hương của cây cà phê
Các khu vực trồng cà phê ở Ethiopia có thể giảm 60% nếu nhiệt độ tăng 4C vào cuối thế kỷ.
Nhiệt độ tăng 4C dựa theo giả thiết là khí nhà kính vẫn cao từ nay tới 2100.
Ngay cả nếu dựa theo giả thiết hạn chế nhất, khu vực trồng cà phê ở Ethiopia vẫn sẽ giảm đi 55%.
“Nếu không thay đổi thì sẽ nguy hiểm cho kinh tế cà phê Ethiopia,” theo lời Justin Moat, một trong các tác giả.
"Tôi không thể hỗ trợ hay cung cấp cho gia đình mình." Jamal Kasim, người trồng cà phê ở Ethiopia
Cà phê Ethiopia có thể thay đổi ra sao
Nhưng Tiến sĩ Davis muốn nhấn mạnh tất cả không phải chỉ toàn u ám. Chuyển đổi vùng canh tác cà phê kết hợp với bảo tồn và tái trồng rừng có thể sẽ đem lại sự phát triển đáng kể trong khu vực phù hợp cho việc trồng cà phê, theo nghiên cứu của Vườn bách thảo Kew.
"Có tiềm năng giảm nhẹ một số điểm tiêu cực và gia tăng khu vực trồng cà phê gấp 4,5 lần so với việc chỉ duy trì mức hiện tại," Tiến sĩ Davis nói.
Cà phê cung cấp nguồn sống cho gần 15 triệu người Ethiopia, chiếm 16% dân số nước này.
Người trồng cà phê ở vùng phía đông của nước này, nơi khí hậu ấm lên đang tác động, đã vất vả những năm qua.
Trong 10 năm kể từ khi trồng cà phê, Jamal Kasim đã nhận thấy những thay đổi đáng kể trong vụ mùa của mình.
"Trong vài năm đầu, cây cho rất nhiều hạt nhưng nay chúng trở lên trơ trọi. Tôi không thể nuôi hay cung cấp cho gia đình mình," ông nói.
Brazil: Cà phê đang có nguy cơ cạn dần tại nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới?
Ethiopia có thể không phải là nước duy nhất trải qua những vấn đề tiềm tàng về sản xuất cà phê. Nghiên cứu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), một ủy ban gồm các chuyên gia được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, công bố đã vạch ra những lo ngại tương tự cho Brazil.
Trong ba năm lượng mưa ở chỗ chúng tôi thấp hơn mức trung bình và vụ mùa đang bị ảnh hưởng. Inacio Brioschi, người trồng cà phê ở Brazil
Nhiệt độ tăng 3 độ C và lượng mưa tăng 15% từ mức tiền công nghiệp tại bang trồng cà phê chính, Minas Gerais và Sao Paulo, có thể dẫn tới khu vực có tiềm năng trồng cà phê giảm từ 70-75% tổng số đất canh tác của các bang này, xuống còn 20-25%.
Trong hai năm qua, trận hạn hán khủng khiếp nhất tại Brazil kể từ khi các ghi chép được bắt đầu cách đây gần một thế kỷ đã ảnh hưởng nặng nề tới vùng trồng cà phê chính của nước này. Sản lượng cà phê ở bang Minas Gerais, nơi sản xuất hơn nửa lượng cà phê của Brazil, đã giảm 20% so với năm 2013 khi vụ mùa thu hoạch tốt.
Sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao hơn bị ảnh hưởng từ tháng Bảy 2014 đến tháng Sáu 2015.
Trên khắp cả vùng, những hồ chứa nước địa phương được nông dân dùng để tưới cà phê đã cạn dần trong khi các viên chức tiểu bang cấm hoặc hạn chế tưới tiêu ở một số thị trấn.
"Trong ba năm qua, lượng mưa ở chỗ chúng tôi là dưới mức trung bình và vụ mùa đã bị ảnh hưởng," Inacio Brioschi, một nông dân từ Espirito Santo, nói.
Brioschi dự kiến sản lượng giảm 60% dưới trung bình năm nay.
Không thể đổ tại cho biến đổi khí hậu về một đợt hạn hán duy nhất, theo Tiến sĩ Peter Baker thuộc Sáng kiến Cà phê và Biến đổi Khí hậu, cơ quan được ngành công nghiệp cà phê tài trợ một phần. Tuy nhiên những đợt khí hậu khắc nghiệt góp phần tạo nên một thách thức lớn cho ngành công nghiệp cà phê.
"Nó không chỉ là chuyện nhiệt độ cứ đều đều gia tăng mà những hiện tượng lớn về khí hậu đó có
thể kéo dài hàng tháng là điều gây ảnh hưởng nặng nề nhất," Tiến sĩ Baker nói.
Những nghiên cứu mô hình khí hậu đã hỗ trợ ý kiến cho rằng nhiệt độ khắc nghiệt đang gia tăng do biến đổi khí hậu, theo ông Richart Betts, người đứng đầu nghiên cứu về tác động của khí hậu tại Trung tâm Hadley của Văn phòng Khí tượng Anh Quốc.
Hạn hán cùng với nhiệt độ tăng lên khiến thời tiết có tác động lớn hơn, theo ông.
"Với nhiệt độ tăng lên trên toàn cầu, có thể nói rằng khi hạn hán xảy ra, những ảnh hưởng của nó thường nặng nề hơn do tình trạng ấm nóng khiến bốc hơi nhiều hơn và làm cho đất đai khô cằn hơn," ông Betts nói.
Công nghệ có thể bảo vệ tương lai của cà phê?
Mặc dù thời tiết khắc nghiệt tác động xấu tới Ethiopia và Brazil, nhưng nhiều nước trồng cà phê lại đang thu hoạch kỷ lục. Nguyên do, theo Tiến sĩ Baker, là do phá rừng.
"Ngoài Brazil, nơi những cải thiện về công nghệ giúp cho sản lượng gia tăng, thì gần như tất cả các nước trồng cà phê hiện đang mở rộng nhanh chóng, khai phá rừng là nguồn chính cung cấp đất canh tác mới cho cây cà phê," ông nói.
Về dài hạn, có lẽ công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo tương lai của cà phê.
Năm 2014, toàn bộ chuỗi gien của cà phê Arabica được công bố nhằm thúc đẩy quá trình chọn giống cây có khả năng đương đầu với điều kiện khí hậu ấm hơn.
Thêm vào đó, Viện Nghiên cứu Cà phê Thế giới đang thực hiện một chương trình nuôi cấy cây giống để "tái tạo" cà phê Arabica với "giống tốt hơn" nhằm tăng thêm tính đa dạng của nó khiến nó có khả năng chống chọi tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Nhưng đó không phải là điều có thể xảy ra sau một đêm - mà có lẽ phải mất nhiều năm.
Nguồn: HONTO sưu tầm từ internet./.
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn