TCVN 8532 : 2010 - Phần 2

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 48 phút đọc

4.5.4. Cửa chắn

Vật liệu chế tạo các cửa chắn sử dụng trong vận hành (dạng mút, mặt bích đặc,v.v…) phải thích hợp với chất lỏng được bơm. Phải chú ý đến sự thích hợp của phối hợp vật liệu để chống lại sự ăn mòn và giảm tới mức tối thiểu rủi ro về kẹt hoặc mài mòn ren vít.

Tất cả các lỗ tiếp xúc với chất lỏng có áp được bơm, bao gồm cả các lỗ của vòng bít kín trục phải được lắp với các cửa chắn tháo được thích hợp với áp suất chất lỏng.

4.5.5. Mối nối ống phụ

Tất cả các mối nối của ống phụ phải đáp ứng với các yêu cầu về tính tương hợp của vật liệu, kích thước và chiều dày như quy định đối với đường ống phụ (xem 4.13.6).

Đường ống phụ phải được cung cấp các mối nối tháo được để cho phép tháo dỡ dễ dàng. Kiểu mối nối phải theo thỏa thuận. Trong bất cứ trường hợp nào, các mối nối có đường kính bằng hoặc lớn hơn 25 mm phải có mặt bích.

4.5.6. Nhận dạng mối nối

Tất các mối nối phải được nhận dạng trên bản vẽ lắp đặt phù hợp với nhiệm vụ và chức năng của chúng. Sự nhận dạng này nên được áp dụng trên bơm.

4.6. Ngoại lực và momen trên các mặt bích (đầu vào và đầu ra)

Khách hàng phải tính toán các lực và momen do đường ống tác dụng lên bơm và kiểm tra bảo đảm rằng chúng không vượt quá các giá trị cho phép. Nếu các tải trọng cho phép thì cách giải quyết vấn đề phải được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà sản xuất/nhà cung cấp.

Nên sử dụng phương pháp cho trong phụ lục B đối với các bơm có các khớp nối trục mềm trừ khi có phương pháp khác được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà sản xuất/nhà cung cấp.

4.7. Mặt bích của ống nối

Hình bao của mặt bích phải có kích thước để có thể lắp mặt bích phù hợp với phần liên quan của ISO 7005 đã cung cấp. Nếu mẫu tiêu chuẩn của các nhà sản xuất bơm đòi hỏi chiều dầy và đường kính của mặt bích lớn hơn chiều dày và đường kính quy định thì có thể cung cấp mặt bích lớn hơn nhưng nó phải được gia công bề mặt và khoan lỗ theo quy định. Phải bảo đảm sự tiếp xúc và tựa chắc chắn của đầu bu lông và/hoặc đai ốc trên mặt sau các mặt bích đúc. Các lỗ lắp bu lông phải gối lên đường tâm.

4.8. Bánh công tác

4.8.1. Thiết kế bánh công tác

Có thể lựa chọn các bánh công tác có kết cấu kín, nửa hở hoặc hở theo ứng dụng. Các bánh công tác đúc hoặc hàn phải có kết cấu gồm một chi tiết, trừ các vòng bù độ mòn.

Cho phép chế tạo các bánh công tác bằng các công nghệ khác trong các trường hợp đặc biệt, nghĩa là đối với các chiều rộng cửa ra của bánh công tác nhỏ hoặc bánh công tác được chế tạo từ vật liệu đặc biệt. Tuy nhiên yêu cầu này cần có sự thỏa thuận với khách hàng.

4.8.2. Kẹp chặt bánh công tác

Bánh công tác phải được kẹp chặt chống xoay và dịch chuyển theo chiều trục khi quay theo chiều đã quy định.

4.8.3. Điều chỉnh chiều trục

Nếu có yêu cầu điều chỉnh khe hở chiều trục của bánh công tác tại hiện trường thì phải cung cấp các phương tiện điều chỉnh từ bên ngoài. Nếu việc điều chỉnh được thực hiện bằng cách dịch chuyển chiều trục của rô to phải chú ý đến ảnh hưởng nguy hiểm có thể có đối với vòng bít cơ khí (xem 4.11.6)

4.9. Vòng bù độ mòn hoặc chi tiết tương đương

Nên lắp các vòng bù độ mòn khi thích hợp. Khi đã được lắp, các vòng bù độ mòn phải có khả năng phục hồi hoặc thay thế mới và được khóa hãm chắc chắn để ngăn ngừa chuyển động quay.

4.10. Khe hỡ vận hành

Khi xác lập các khe hở vận hành các bộ phận tĩnh tại và chuyển động phải quan tâm đến các điều kiện vận hành và tính chất của vật liệu (như độ cứng, độ bền chống tróc rỗ) được sử dụng cho các bộ phận này. Khe hở phải đầy đủ kích thước để ngăn ngừa sự tiếp xúc trong các điều kiện vận hành và sự phối hợp vật liệu được lựa chọn phải giảm tới mức tối thiểu rủi ro xảy ra sự kẹt dính và xói mòn.

4.11. Trục và ống lót trục

4.11.1. Yêu cầu chung

Trục phải có đủ kích thước và độ cứng vững để:

a) Truyền được công suất định mức của động cơ chính;

b) Giảm thiểu sự bít kín không đạt yêu cầu hoặc chất lượng vòng bít;

c) Giảm thiểu sự mài mòn và rủi ro của sự kẹt và

d) Tính đến một cách thỏa đáng các tải trọng hướng kính tĩnh và động, tốc độ tới hạn (xem 4.3.1), các phương pháp khởi động và tải trọng quán tính gây ra.

4.11.2. Nhám bề mặt

Nhám bề mặt của trục hoặc ống lót trục tại chỗ lắp cụm vòng bít, vòng bít cơ khí và vòng bít kín chất bôi trơn nếu có, không được lớn hơn 0,8 µm Ra trừ khi có yêu cầu khác đối với vòng bít. Nên quan tâm sử dụng các mức độ nhám bề mặt mặt nhỏ hơn (ví dụ 0,4 µm Ra) cho các vòng bít cơ khí khi sử dụng trục có đặc tính động lực học theo chiều trục hoặc các vòng bít của ống lót. Phép đo độ nhám bề mặt phải phù hợp với ISO 3274.

4.11.3. Độ võng của trục

Độ võng tính toán của trục trong mặt phẳng hướng kính đi qua mặt mút ngoài của cụm vòng bít (hoặc tại mặt mút của vòng bít cơ khí đối với các bơm có gắn với vòng bít) gây ra bởi các tải trọng hướng kính tương đương trong quá trình vận hành của bơm không được vượt quá 50 µm trong điều kiện sau:

  1. a) Trong phạm vi vận hành cho phép của bơm;
  2. b) Trong phạm vi vận hành cho phép của bơm khi được lắp với bánh công tác có đường kính lớn nhất.

Điều kiện a) luôn được áp dụng, ngoài ra, điều kiện bổ sung b) có thể cần phải có sự thỏa thuận. Không được xem xét tới gối đỡ bằng đệm kín khi xác định độ võng của trục.

4.11.4. Đường kính

Đường kính của các đoạn trục hoặc ống lót trục tiếp xúc với các vòng bít kín trục phải phù hợp với ISO 3069 khi được áp dụng.

4.11.5. Độ đảo của trục

Việc chế tạo và lắp ráp trục và ống lót, nếu được lắp, cần bảo đảm cho độ đảo của trục trong một mặt phẳng hướng kính đi qua mặt mút ngoài của thân vòng bít kín trục không được lớn hơn 50 µm đối với các đường kính ngoài danh nghĩa nhỏ hơn 50 mm, không lớn hơn 80 µm đối với các đường kính ngoài danh nghĩa 50 mm đến 100 mm, và không lớn hơn 100 µm đối với các đường kính ngoài danh nghĩa lớn hơn 100 mm.

4.11.6. Sự dịch chuyển dọc trục

Sự dịch chuyển dọc trục của rô to cho phép bởi các ổ trục không được ảnh hưởng có hại đến tính năng làm việc của vòng bít kín cơ khí.

4.11.7. Kẹp chặt và làm kín ống lót trục

Khi lắp một ống lót trục, phải có một cơ cấu để định vị chiều trục và dẫn động theo chu vi đủ để đạt được các chuẩn vận hành phổ biến lớn nhất. Yêu cầu này cũng áp dụng cho ống lót bít kín các vòng bít cơ khí nếu được lắp.

Phải có sự bít kín để ngăn ngừa sự rò rỉ bên ngoài giữa trục và ống lót trục. Khi có rủi ro xuất hiện sự ăn mòn trục thì phải có sự gá đặt để bảo đảm cho trục không bị ướt.

4.11.8. Sự bố trí ống lót trục

Trên một bơm có bố trí, đầu mút của cụm ống lót trục, nếu được lắp, phải kéo dài ra ngoài mặt mút ngoài của nắp chắn vòng bít làm kín. Trên một bơm có bố trí các vòng bít cơ khí thì ống lót trục phải kéo dài ra ngoài tấm đầu mút của vòng bít. Trên các bơm sử dụng một vòng bít phụ hoặc một ống lót tiết lưu thì ống lót trục phải kéo dài ra ngoài tấm đầu mút của vòng bít. Như vậy sự rò rỉ giữa trục và ống lót trục không thể lẫn lộn được với sự rò rỉ qua cụm vòng bít hoặc các mặt mút của vòng bít cơ khí.

Phải mô tả đầy đủ sự bố trí ống lót trục đối với các vòng bít cơ khí bên ngoài hoặc nhiều vòng bít cơ khí.

4.11.9. Kẹp chặt ổ trục chặn

Không sử dụng vòng tiếp xúc trực tiếp với ổ trục để truyền lực đẩy từ trục tới vòng trong của ổ trục chặn. Nên ưu tiên sử dụng các đai ốc hãm hoặc vòng đệm hãm.

4.12. Ổ trục

4.12.1. Yêu cầu chung

Khi lắp các ổ lăn thì chúng phải phù hợp với tiêu chuẩn đã được công nhận trên phạm vi quốc tế. Có thể sử dụng các kiểu ổ lăn khác.

4.12.2. Tuổi thọ của ổ lăn

Ổ lăn phải được lựa chọn và định mức phù hợp với TCVN 8029:2009 (ISO 76) và ISO 281-1; tuổi thọ định mức cơ sở (L10) ít nhất phải là 17 500 h khi vận hành trong phạm vi vận hành cho phép. Đối với các bơm hút, nhà sản xuất/nhà cung cấp phải quy định các giới hạn của áp suất trên đầu ra là một hàm số của cột áp của bơm ở tải trọng lớn nhất để được tuổi thọ tính toán của ổ lăn ít nhất la 17 500 h.

4.12.3. Nhiệt độ của ổ trục

Nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm phải quy định xem liệu có cần thiết phải làm mát hoặc sấy nóng hay không để duy trì nhiệt độ của ổ trục trong các giới hạn mà nhà sản xuất ổ trục đã cho.

4.12.4. Bôi trơn

Hướng dẫn vận hành phải bao gồm thông tin về loại chất bôi trơn được sử dụng và tần suất bôi trơn.

4.12.5. Thiết kế thân ổ trục

Đển ngăn ngừa sự tổn thất hoặc nhiễm bẩn chất bôi trơn, không được sử dụng các mối nối có đệm kín hoặc có ren để tách ly chất lỏng làm mát hoặc sấy nóng khỏi chất bôi trơn.

Tất cả các lỗ trong thân ổ trục phải được thiết kế ngăn ngừa sự thâm nhập của chất nhiễm bẩn và sự thoát ra của chất bôi trơn trong các điều kiện vận hành bình thường.

Trong các vùng nguy hiểm, bất cứ cơ cấu nào để bít kín thân ổ trục cũng phải được thiết kế để không trở thành một nguồn đánh lửa gây ra cháy. Nên tránh sử dụng các vòng bít có mép sắc.

Trong trường hợp sử dụng đầu bôi trơn phải có lỗ xả dầu được nút kín. Nếu thân ổ trục cũng sử dụng như một khoang chứa dầu, phải sử dụng cái chỉ báo mức dầu hoặc bầu dầu có mức không đổi. Vạch dấu dùng cho mức dầu hoặc chỉnh đặt bầu dầu có mức không đổi phải bền lâu và nhìn thấy được và phải định rõ mức là đứng yên hoặc chạy. Khi sử dụng các ổ trục có thể bôi trơn lại được, phải cung cấp phương tiện xả dầu, mỡ bôi trơn.

Tại các vị trí ổ trục phải có khả năng giám sát nhiệt độ và rung nếu có yêu cầu của khách hàng.

4.13. Sự bít kín trục

4.13.1. Yêu cầu chung

Đối với các bơm tuân theo ISO 2858, thiết kế bơm phải cho phép sử dụng tất cả các vòng bít sau:

- Vòng bít mềm (P);

- Vòng bít cơ khí đơn;

- Nhiều vòng bít kín cơ khí (D) như đã chỉ ra trong Phụ lục E.

Đối với tất cả các kiểu bơm khác khi trục bơm phải được bít kín thì kết cấu bơm phải cho phép sử dụng một hoặc nhiều các vòng bít nêu trên.

Cho phép sử dụng các vòng bít kiểu bạc cho tất cả các kiểu bơm.

Việc bố trí để tôi (Q), trong một số trường hợp có thể là cần thiết, như chỉ dẫn trong Phụ lục E.

Kích thước của khoang vòng bít phải phù hợp với ISO 3069 trừ khi điều kiện vận hành có quy định khác.

Các phương án bố trí phải có khả năng chứa, thu gom và xả tất cả các chất lỏng rò qua từ khu vực vòng bít.

4.13.2. Chuẩn vận hành dùng để lựa chọn

Chuẩn vận hành chính dùng để lựa chọn các vòng bít cơ khí và các vòng bít mềm là:

- Các tính chất hóa học và bản chất của chất lỏng được bơm;

- Áp suất bít kín nhỏ nhất và lớn nhất mong đợi;

- Nhiệt độ và tính chất vật lý của chất lỏng tại vòng bít;

- Các điều kiện vận hành đặc biệt bao gồm khởi động, dừng máy, các thay đổi đột ngột về nhiệt và cơ, chu kỳ làm sạch và sát trùng, và

- Đường kính và tốc độ của trục;

Chuẩn phụ đối với các vòng bít cơ khí là

- Chiều quay của bơm.

4.13.3. Vòng bít cơ khí

4.13.3.1. Kiểu và sơ đồ bố trí

Tiêu chuẩn này không quy định kết cấu các chi tiết của vòng bít cơ khí nhưng các chi tiết này phải thích hợp để chịu được các điều kiện quy định trong tờ dữ liệu (xem Phụ lục A).

Việc bố trí các vòng bít cơ khí (ví dụ, vòng bít cơ khí đơn, nhiều vòng bít cơ khí, vòng bít cơ khí được cân bằng hoặc không được cân bằng (xem Phụ lục E) phải được quy định trong tờ dữ liệu (xem Phụ lục A).

Nếu bơm vận chuyển chất lỏng gần điểm sôi của chất lỏng thì áp suất trong khoang vòng bít cơ khí phải vượt quá áp suất đầu vào, hoặc nhiệt độ ở ngay trong vùng lân cận của vòng bít phải thấp hơn nhiệt độ bốc hơi để ngăn ngừa sự bốc hơi tại các mặt mút của vòng bít.

Nếu áp dụng sơ đồ bố trí nhiều vòng bít chịu áp (lưng đối lưng hoặc cặp đôi trước sau) thì chất lỏng chắn giữa các vòng bít phải thích hợp với quá trình và phải có áp suất cao hơn áp suất bít kín.

Nếu lắp đặt các vòng bít cơ khí theo sơ đồ lưng đối lưng thì phải bảo đảm rằng vòng đứng yên trên phía bánh công tác và vòng bít quay liền kề không bị dịch chuyển hoặc hư hỏng không thể phục hồi lại được trong trường hợp có sự giảm áp chuyển tiếp không thể phục hồi lại được trong chất lỏng chắn.

Đối với các bơm vận hành ở nhiệt độ dưới 0°C, có thể cần phải tôi để ngăn ngừa sự tạo thành băng.

4.13.3.2. Vật liệu

Phải lựa chọn các vật liệu thích hợp cho các chi tiết của vòng bít để chịu được ăn mòn, xói mòn, nhiệt độ, ứng suất, nhiệt độ và cơ v.v… Đối với các các vòng bít cơ khí, các chi tiết kim loại bị chất lỏng được bơm làm ướt phải có chất lượng vật liệu ít nhất là bằng chất lượng vật liệu của vỏ bơm (xem Điều 5) về cơ tính và sức chống ăn mòn).

4.13.3.3. Đặc điểm về kết cấu

Phải có phương tiện để định tâm tấm mặt mút của vòng bít so với lỗ của khoang vòng bít. Để đạt được yêu cầu này, phương pháp chấp nhận được là lắp một nắp chặn theo đường kính trong hoặc đường kính ngoài.

Tấm mặt mút của vòng bít phải có đủ độ cứng vững để tránh bị cong vênh. Thân vòng bít và tấm mặt mút, bao gồm cả bu lông kẹp chặt (xem 4.4.4.6) phải được thiết kế theo áp suất vận hành cho phép ở nhiệt độ vận hành và tải trọng yêu cầu trên mặt tựa đệm kín.

Các đệm kín giữa thân lắp vòng bít và vòng bít đứng yên hoặc tấm mặt mút của vòng bít phải được hạn chế ở phía bên ngoài hoặc có kết cấu tương đương để ngăn ngừa sự bung ra.

Tất cả các chi tiết của vòng bít đứng yên bao gồm cả tấm mặt mút của vòng bít phải được bảo vệ tránh sự tiếp xúc bất ngờ với trục hoặc ống lót và tránh chuyển động quay. Khi một chi tiết của vòng bít đứng yên tiếp xúc với trục hoặc ống lót thì bề mặt tiếp xúc với vòng bít phải đủ cứng và chịu mài mòn. Phải có đầu dẫn vào và loại bỏ các cạnh sắc để tránh hư hỏng cho vòng bít trong quá trình lắp ghép.

Dung sai gia công cơ khoang vòng bít và tấm mặt mút của vòng bít phải hạn chế độ đảo mặt mút ở vòng bít đứng yên của vòng bít cơ khí tới các giá trị lớn nhất cho phép do nhà sản xuất/ nhà cung cấp đưa ra.

Nếu trang bị một ống lót tiết lưu trong ống mặt mút để giảm tới mức tối thiểu sự rò rỉ do vòng mút bít bị hư hỏng hoàn toàn thì khe hở theo đường kính, tính bằng milimét, giữa ống lót và trục nên là nhỏ nhất và không có trường hợp nào lớn hơn.

+ 0,2

Trong đó: d là đường kính trục.

Khi phải tránh sự rò rỉ cần phải có một vòng bít phụ (ví dụ, nhiều vòng bít) (xem Phụ lục E).

Khoang vòng bít phải được thiết kế đế ngăn ngừa sự giữ lại hơi khi có thể thực hiện được. Nếu yêu cầu này không thể thực hiện được thì khoang vòng bít phải được thông hơi do người vận hành thực hiện. Phương pháp thực hiện việc thông hơi này phải được nêu trong sách hướng dẫn sử dụng.

Vị trí của các cửa cho chất lỏng đi vào và nếu cần thiết, vị trí của các cửa cho chất lỏng đi ra khỏi khoang vòng bít phải thích hợp với vòng bít cơ khí.

Các lỗ có thể được khoan và tarô, thậm chí cũng không yêu cầu phải có đầu nối (xem 4.5.3 và 4.5.5) trừ khi có sự thỏa thuận khác.

4.13.3.4. Lắp ráp và thử nghiệm

Để lắp ráp cho gửi hàng đi, xem 7.1.

Vòng bít cơ khí phải chịu áp suất thử thủy tĩnh vượt quá giới hạn áp suất của vòng bít.

Khách hàng phải được thông báo trước khi đặt hàng nếu các mặt mút của vòng bít không thích hợp cho vận hành với nước (các điều kiện khởi động)

4.13.4. Cụm vòng bít

Phải có phương tiện để cho phép lắp một vòng bôi trơn. Các đầu nối khi có yêu cầu phải được khách hàng hoặc nhà sản xuất/nhà cung cấp quy định. Phải có không gian dôi dư dùng cho việc bịt kín lại mà không phải tháo bất cứ bộ phận nào ngoài các chi tiết của nắp chặn và bao che. Các chi tiết của nắp chặn phải được kẹp chặt có hiệu quả cho dù vòng bít đã mất đi lực nén ép.

4.13.5. Đường ống phụ cho cụm vòng bít và vòng bít cơ khí

4.13.5.1. Bơm phải được thiết kế để thích ứng với đường ống phụ do vòng bít kín trục yêu cầu trong các điều kiện quy định.

4.13.5.2. Có thể cần đến đường ống phụ cho những trường hợp sau

Loại a) phục vụ cho chất lỏng của quá trình (bơm) hoặc chất lỏng được đưa vào quá trình:

- Tuần hoàn, nếu không có đường dẫn bên trong;

- Phun;

- Chắn;

- Nén tăng áp;

Loại b) phục vụ cho chất lỏng không đưa vào quá trình:

- Gia nhiệt;

- Làm mát;

- Đệm;

- Tôi;

4.13.6. Kết cấu cơ khí của đường ống phụ

Phạm vi cung cấp và các chi tiết của đường ống phụ, các đầu nối ống được dùng cho công việc phục vụ bên ngoài phải được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà sản xuất/nhà cung cấp và phải ưu tiên phù hợp với Phụ lục F.

Khi được quy định, hệ thống đường ống bao gồm tất cả các phụ tùng, thiết bị phụ phải do nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm cung cấp và phải được lắp ráp đầy đủ trên bơm khi có thể thực hiện được.

Đường ống phải được thiết kế và lắp đặt để cho phép tháo ra phục vụ cho bảo dưỡng và làm sạch phải được đỡ thích hợp để ngăn ngừa hư hỏng do rung trong vận hành bình thường trong các hoạt động bảo dưỡng. Đường kính trong của ống ít nhất phải là 8 mm và chiều dầy thành ống 1 mm. Đường kính và chiều dầy thành ống 1 mm. Đường kính và chiều dầy thành ống lớn hơn được ưu tiên sử dụng. Nhiệt độ và áp suất định mức của đường ống phụ vận chuyển chất lỏng của quá trình [xem 4.13.5.2a)] không được nhỏ hơn nhiệt độ và áp suất định mức của vỏ bơm (xem 6.3). vật liệu đường ống phải chịu được ăn mòn do chất lỏng được vận chuyển (xem 4.5.5) và các điều kiện môi trường gây ra.

Đường ống phục vụ cho chất lỏng không đưa vào quá trình [xem 4.13.5.2b)] phải được thiết kế thích hợp cho kế hoạch phục vụ và nhiệt độ định mức (xem 4.4.4.3)

Phải có các lỗ thải chất lỏng và cho chất lỏng rò qua tại tất cả các điểm và ở dưới thấp để cho phép xả toàn bộ chất lỏng. Đường ống phải được thiết kế tránh các túi khí.

Hệ thống đường ống phục vụ cho vận chuyển hơi nước phải là “vào ở trên đỉnh, ra ở dưới đáy”. Nói chung các đường ống phục vụ khác nên là “Vào ở dưới đáy hoặc bên cạnh, ra ở trên đỉnh.

Nếu trang bị một lỗ thu hẹp thì đường kính của nó không được nhỏ hơn 3 mm.

Khi sử dụng các lỗ điều chỉnh được, phải đảm bảo một dòng chảy liên tục nhỏ nhất.

4.14. Ghi nhãn

4.14.1. Tấm nhãn

Tấm nhãn phải được chế tạo bằng vật liệu chống ăn mòn, thích hợp với điều kiện môi trường và phải được kẹp chặt chắc chắn với bơm.

Thông tin tối thiểu trên tấm nhãn phải bao gồm tên (hoặc nhãn hiệu) và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp, số nhận dạng bơm (ví dụ, số loạt hoặc số sản phẩm), kiểu và cỡ kích thước.

Có thể cung cấp thêm không gian cho các thông tin bổ sung về lưu tốc, tổng cột áp của bơm, tốc độ của bơm, đường kính bánh công tác (lớn nhất và được lắp đặt), áp suất làm việc lớn nhất cho phép và nhiệt độ của bơm hoặc các thông tin khác khi có yêu cầu.

4.14.2. Chiều quay

Phải chỉ thị chiều quay bằng mũi tên thích hợp, có kết cấu bền lâu trên một vị trí dễ phân biệt.

4.15. Khớp nối trục

Bơm thường được nối với truyền động bằng khớp nối trục đàn hồi (mềm). Khớp nối trục phải có kích thước để truyền momen lớn nhất của bộ dẫn động được sử dụng. Sự giới hạn của tốc độ khớp nối trục phải tương ứng với tất cả các tốc độ vận hành có thể có của bộ dẫn động bơm được sử dụng.

Phải trang bị khớp nối có đệm ngăn cách để cho phép tháo dỡ rô tô của bơm mà không phải di chuyển bộ dẫn động. Chiều dài đệm ngăn cách của khớp nối trục phụ thuộc vào khoảng cách yêu cầu giữa các đầu mút trục dùng để tháo dỡ bơm. Khoảng cách giữa các đầu mút trục nên phù hợp với một tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ, ISO 2858) khi có thể thực hiện được.

Phải sử dụng các khớp nối trục với đầu mút tùy động cơ giới hạn nếu bộ dẫn động không có ổ trục chặn.

Các nửa khớp nối trục phải được kẹp chặt có hiệu quả tránh sự dịch chuyển theo chu vi và dọc trục so với các trục. Các đầu trục phải có lỗ tâm có ren hoặc phải có phương tiện khác để bảo đảm việc lắp ráp đúng khớp nối trục.

Nếu các chi tiết của khớp nối trục được cân bằng cùng nhau thì phải chỉ ra vị trí lắp ráp đúng bằng các vạch dấu bền lâu và nhìn thấy được. Khớp nối trục và đệm ngăn cách có cùng một cấp cân bằng như bánh công tác của bơm.

Các sai lệch cho phép trong vận hành theo phương hướng kính, chiều trục và góc không được vượt quá các giới hạn do nhà sản xuất khớp nối trục đưa ra. Khớp nối trục phải được lựa chọn sao cho có tính đến các điều kiện vận hành như các thay đổi về nhiệt độ, mômen xoắn, số lần khởi động, các tải trọng của ống dẫn, độ cứng của bơm và tấm đế.

Phải trang bị một bộ phận che chắn bảo vệ thích hợp cho khớp nối trục. Các bộ phận che chắn bảo vệ phải được thiết kế phù hợp với các quy định an toàn của quốc gia.

Nếu bơm được cung cấp không có bộ dẫn động, nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm và khách hàng phải lựa chọn các bộ phận sau theo thỏa thuận chung:

  1. a) Bộ dẫn động (hệ truyền động): kiểu, công suất, kích thước, khối lượng, phương pháp lắp ráp;
  2. b) Khớp nối trục: kiểu, nhà sản xuất, kích thước, sự gia công cơ (lỗ và rãnh then), bộ phận che chắn bảo vệ;
  3. c) Phạm vi tốc độ và công suất đầu vào.

4.16. Tấm đế

4.16.1. Yêu cầu chung

Khi có thể thực hiện được, các kích thước của tấm đế nên ưu tiên phù hợp với một tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ, ISO 3661 dùng cho bơm và động cơ). Phải có sự thỏa thuận nến các tấm đế dùng cho bơm theo ISO 2858 khác với các tấm đế phù hợp với ISO 3661.

Tấm đế phải được thiết kế để chịu được các ngoại lực trên các ống nối của bơm được cho trong 4.6 mà không không làm cho sai lệch độ đồng trục (thẳng hàng) của các trục vượt quá quy định trong Phụ lục B.

Vật liệu của tấm đế (ví dụ, gang, thép chế tạo, bê tông) và việc lắp đặt tấm đế (trên vữa xi măng hoặc không) phải được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà cung cấp.

4.16.2. Tấm đế không lắp đặt trên vữa xi măng

Tấm đế không lắp đặt trên vữa xi măng phải đủ cứng vững để chịu được các tải trọng nêu trong 4.6 đối với lắp đặt tự do hoặc lắp đặt bằng mối ghép bu lông trên nền móng không trát vữa.

4.16.3. Tấm đế lắp đặt trên vữa xi măng

Tấm đế lắp đặt trên vữa xi măng phải được thiết kế để bảo đảm cho việc đổ xi măng đúng cách, (ví dụ như phải ngăn ngừa được sự tạo thành túi không khí.

Khi cần có các lỗ để đổ vữa xi măng thì chúng phải có đường kính nhỏ hơn 100 mm hoặc diện tích tương đương và phải tiếp cận được. Các lỗ đổ vữa xi măng trong vùng dùng cho xả phải có gờ nhô cao lên.

4.16.4. Thiết kế tấm đế

Phải có phương tiện trên tấm đế để thu gom và thải đi các chất rò rỉ dùng cho mọi ứng dụng có liên quan đến các chất lỏng có hại và dùng cho các ứng dụng khác nếu có yêu cầu của khách hàng. Các khu vực xả nên có độ dốc ít nhất là 1:100 hướng về phía cửa xả. Các đầu nối dùng cho xả phải được làm ren trên chiều dài tối thiểu là 25 mm và được định vị tại đầu mút tấm đế của bơm.

4.16.5. Lắp ráp bơm và bộ dẫn động trên tấm đế

4.16.5.1. Phải có phương tiện để điều chỉnh bộ dẫn động theo phương thẳng đứng để cho phép bù trừ dung sai đối với bơm, bộ dẫn động và tấm đế. Khoảng điều chỉnh này không được nhỏ hơn 3 mm và phải được thực hiện bao gồm cách sử dụng các miếng đệm hoặc chêm.

4.16.5.2. Nếu khách hàng cung cấp bộ dẫn động hoặc khớp nối trục thì họ phải cung cấp cho nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm các kích thước lắp đặt đã được chứng nhận của các bộ phận này.

Nếu bộ dẫn động không do nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm lắp ráp thì nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm nên cung cấp kèm theo các miếng đệm tháo được để điều chỉnh chiều cao tâm của trục nếu toàn bộ yêu cầu vê chêm và miếng đệm vượt quá 25 mm. Không được khoan các lỗ kẹp chặt bộ dẫn động trừ khi có thỏa thuận khác.

4.17. Dụng cụ chuyên dùng

Bất cứ các dụng cụ nào được thiết kế chuyên dùng cho điều chỉnh, lắp ráp hoặc tháo lắp bơm phải do nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm cung cấp.

  1. Vật liệu

5.1. Lựa chọn vật liệu

Các vật liệu thường được quy định trong tờ dữ liệu. Nếu các vật liệu được khách hàng lựa chọn nhưng nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm lại quan tâm đến các vật liệu khác thích hợp hơn thì các vật liệu này phải được nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm đề nghị là vật liệu thay thế theo các điều kiện vận hành quy định trên tờ dữ liệu.

Đối với các chất lỏng nguy hiểm, nhà sản xuất/nhà cung cấp phải đề nghị các vật liệu thích hợp để thỏa thuận với khách hàng. Không nên sử dụng các vật liệu giòn cho các chi tiết chịu áp lực của bơm vận chuyển các chất lỏng dễ bốc cháy.

Đối với các ứng dụng ở nhiệt độ cao hoặc thấp (nghĩa là trên 175°C hoặc dưới -10°C) nhà sản xuất/nhà cung cấp bơm phải có sự quan tâm thích đáng đến kết cấu cơ khí. Đối với các vật liệu của vòng bít, xem 4.13.3.2.

5.2. Thành phần và chất lượng của vật liệu

Thành phần hóa học, cơ tính, xử lý nhiệt và quy trình hàn phải phù hợp với các tiêu chuẩn liên quan.

Khi yêu cầu các phép thử và chứng chỉ cho các đặc tính nêu trên thì các thủ tục phải được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà cung cấp.

5.3. Sửa chữa

Việc sửa chữa bằng hàn hoặc các phương pháp khác phải có sự liên quan riêng đến các tiêu chuẩn vật liệu có liên quan. Nghiêm cấm việc sửa chữa các chỗ rò rỉ và khuyết tật trong các chi tiết vỏ chịu áp lực bằng cách bít kín, rèn bằng búa, sơn hoặc tẩm thấm.

  1. Kiểm tra và thử nghiệm ở phân xưởng

6.1. Yêu cầu chung

6.1.1. Khách hàng có thể yêu cầu bất cứ hoặc tất cả các kiểm tra và thử nghiệm sau và khi có yêu cầu thì các kiểm tra và thử nghiệm này phải được ghi trong tờ dữ liệu (xem Phụ lục A). Các phép thử này có thể được chứng kiến hoặc chứng nhận. Các tờ ghi số đọc của các phép thử được chứng kiến phải có chữ ký của người kiểm tra và đại diện của nhà sản xuất/nhà cung cấp. Bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất/nhà cung cấp phải cấp giấy chứng nhận (chứng chỉ).

6.1.2. Khi quy định việc kiểm tra, người kiểm tra của khách hàng phải được tiếp cận nhà xưởng của nhà sản xuất/nhà cung cấp tại các thời điểm đã được thỏa thuận cùng nhau và phải được cung cấp các phương tiện và dữ liệu hợp lý để thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra.

6.2. Kiểm tra

6.2.1. Không được sơn các chi tiết chịu áp lực trừ lớp sơn chống gỉ tới khi hoàn thành các phép thử và kiểm tra.

6.2.2.Có thể yêu cầu kiểm tra sau:

a) Xem xét, kiểm tra các chi tiết trước khi lắp ráp;

b) Xem xét, kiểm tra bên trong vỏ bơm và vòng bù độ mòn sau khi chạy thử;

c) Các kích thước lắp đặt;

d) Thông tin trên tấm nhãn (xem 41.4)

e) Đường ống phụ và thiết bị phụ

6.3.1. Thử nghiệm

Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước TCVN 8532 : 2010 - Phần 3

TCVN 8532 : 2010 - Phần 3

Bài viết tiếp theo

Củ hút bùn

Củ hút bùn
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call