Ngày chỉ xài 10 ly cà phê, 'vua cá tra' quyết không bán công ty con
10/03/2017
Công ty Hùng Vương (mã: HVG) ngày 7/4 tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017. Dù năm 2016, HVG lỗ hơn 49 tỷ đồng, nhưng ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty khẳng định, Hùng Vương đã qua thời khủng hoảng.
Tháng 3/2017, Hùng Vương có kế hoạch bán 65% cổ phần (khoảng 420 tỷ đồng) tại Công ty cổ phẩn Thực phẩm Sao Ta (FMC). Tuy nhiên, sau khi tham dự Hội chợ cá tra tại Boston (Hoa Kỳ), Hùng Vương đã ký các hợp đồng xuất khẩu cá tra sang thị trường này đến hết tháng 8/2017, bình quân 18 triệu USD/tháng. Đây là dòng tiền giúp HVG “hồi sinh” và quyết định hủy bán cổ phần tại FMC.
Ông Minh cho biết, tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 2/2018. Hiện tại, Công ty còn tồn kho 33.000 tấn fillet và nếu bán ra, giá trị thu về cao hơn 10% so với giá trị tồn kho, đó là chưa kể đến hàng trăm héc - ta mà Công ty đang nuôi trồng. Hiện nay, chỉ có HVG mới có đủ sản lượng để xuất khẩu.
Với “con cưng” là Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Tập đoàn CJ đã ngỏ ý mua lại với giá 250 triệu USD. Dù vậy, ông Minh cho rằng, đây là mức giá quá rẻ vì chỉ trang thiết bị tại Việt Thắng đã trên 100 triệu USD, còn nhà xưởng, đất đai... chưa tính.
Ông Minh khẳng định, ở Việt Nam để xây dựng được một thương hiệu hay công suất 1,6 triệu tấn/năm như Việt Thắng không dễ dàng, kể cả so với các doanh nghiệp như Cargill, Deheus hay C.P. Do đó, Hùng Vương sẽ giữ lại Việt Thắng để coi đây là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi heo của mình.
“Tôi chỉ có một mình, không tiêu xài gì hàng ngày ngoài 10 ly cà phê đá, 2 gói thuốc lá. Và nếu tôi không nghĩ đến việc xây dựng một doanh nghiệp Việt thì tôi đã bán vốn của tôi ở Công ty (không dưới 100 triệu USD) hay bán vốn ở Việt Thắng và FMC. Nhưng không làm vậy, vì dòng tiền tương lai của Hùng Vương rất lớn”, ông Dương Ngọc Minh chia sẻ.
Toàn cảnh ĐHCĐ CTCP thủy sản Hùng Vương 2017 tổ chức tại TP.HCM
Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Minh cho biết, thương vụ mua lại 51% Công ty Thủy sản Russia Fish tại Nga của Hùng Vương thất bại. Lý do là Việt Nam chưa có Luật đầu tư ra nước ngoài, trong đó có quy định đầu tư theo hình thức mua cổ phần, nên Hùng Vương không hoàn thành thủ tục theo thời gian yêu cầu.
Russia Fish là nhà kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản có thị phần hơn 5% ở thị trường Nga và đang phân phối hơn 60 loại cá từ 18 thị trường trên thế giới.
Năm 2017, HVG đặt kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 400 tỷ đồng.
Về cổ tức, năm 2016, Hùng Vương không trả cổ tức do kinh doanh thua lỗ. Năm 2017, HĐQT tiếp tục đề xuất không thực hiện chia cổ tức để xử lý khắc phục nguồn vốn âm trên báo cáo tài chính Công ty mẹ.
Năm 2017, Công ty sẽ tích cực thu hồi lợi nhuận từ các công ty con và công ty liên kết. Năm 2016, việc này đã không được thực hiện do Việt Thắng và Sao Ta đang thực hiện nhiều dự án đầu tư mở rộng kinh doanh nên cần giữ lại lợi nhuận; hoạt động kinh doanh của Agifish và các đơn vị khác không thuận lợi nên lợi nhuận không khả thi.
“Không có ai trong ngành chế biến thủy sản mà có cơ ngơi lớn như Hùng Vương với 800 ha diện tích nuôi trồng, tương đương 1.500 tỷ đồng, dù trên sổ sách không có số liệu này. Hùng Vương hiện có 4 tài sản tốt là FMC, Việt Thắng, đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo và tại TP.HCM. Mục tiêu doanh thu 30.000 tỷ đồng năm 2018 dư sức thực hiện được với con tôm, con cá, thức ăn chăn nuôi mà Công ty đang có”, ông Dương Ngọc Minh khẳng định.
Nguồn: HONTO sưu tầm từ internet./.
Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn