Chai chứa khí – hệ thống phù hợp chất lượng quốc tế – quy tắc cơ bản - phần 1

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 20 phút đọc

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10366:2014

ISO/TR 14600:2000

CHAI CHỨA KHÍ – HỆ THỐNG PHÙ HỢP CHẤT LƯỢNG QUỐC TẾ – QUY TẮC CƠ BẢN

Gas cylinders – International quality conformance system – Basic rules

Lời nói đầu

TCVN 10366:2014 hoàn toàn tương đương với ISO/TR 14600:2000.

TCVN 10366:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 58 Chai chứa khí biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

CHAI CHỨA KHÍ − HỆ THỐNG PHÙ HỢP CHẤT LƯỢNG QUỐC TẾ – QUY TẮC CƠ BẢN

Gas cylinders – International quality conformance system – Basic rules

1. Phạm vi áp dụng

Để đảm bảo cho các chai chứa khí được chế tạo phù hợp với thiết kế và các tiêu chuẩn chế tạo chai chứa khí, tiêu chuẩn này quy định hệ thống phù hợp để áp dụng các thủ tục và yêu cầu cho:

– Các cơ quan có thẩm quyền;

– Các cơ quan công nhận;

– Các cơ quan kiểm tra và phòng thử nghiệm;

– Các nhà sản xuất.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa được cho trong ISO/IEC Guide 2:1996 và các thuật ngữ định nghĩa sau.

2.1. Hệ thống phù hợp chất lượng (quality conformance system)

Hệ thống được cơ quan có thẩm quyền sử dụng để phê duyệt toàn bộ, bao gồm phê duyệt kiểu thiết kế chai chứa khí, hệ thống chất lượng của nhà sản xuất, phê duyệt nhà sản xuất và phê duyệt cơ quan kiểm tra.

2.2. Cơ quan có thẩm quyền (regulatory authority)

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý đối với sản xuất và sử dụng các chai chứa khí.

CHÚ THÍCH: Cơ quan này có thể là Cơ quan có thẩm quyền hoặc một tổ chức khác.

2.3. Cơ quan công nhận (accreditaion body)

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chứng nhận các cơ quan kiểm tra.

CHÚ THÍCH: Cơ quan này có thể là Cơ quan có thẩm quyền hoặc một thực thể khác.

2.4. Cơ quan kiểm tra (inspection body)

Cơ quan độc lập được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan công nhận phê duyệt có tổ chức, đội ngũ cán bộ, thẩm quyền và phẩm chất trung thực và chính thực để thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ sau:

– Các dịch vụ kiểm tra chai chứa khí;

– Giám sát hệ thống chất lượng của nhà sản xuất;

– Thử nghiệm.

2.5. Hệ thống chất lượng (quality system)

Cơ cấu có tổ chức, các thủ tục, quá trình và các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc quản lý chất lượng.

2.6. Xác minh (verify)

Xác nhận bằng kiểm tra hoặc điều khoản cung cấp các bằng chứng khách quan rằng các yêu cầu quy định đã được đáp ứng.

2.7. Kiểu thiết kế (design type)

Thiết kế chai chứa khí theo quy định của một tiêu chuẩn chai chứa khí cụ thể, ví dụ: ISO 7866, TCVN 7388-1 (ISO 9809-1), TCVN 7388-2 (ISO 9809-2), v.v…

3. Yêu cầu chung

3.1. Cơ quan có thẩm quyền

3.1.1. Cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia chế tạo chai chứa khí có trách nhiệm đảm bảo thực hiện hệ thống phù hợp chất lượng này theo luật pháp quốc gia.

3.1.2. Cơ quan có thẩm quyền về sản xuất chai chứa khí phải cung cấp, theo yêu cầu, bằng chứng để chứng minh sự phù hợp với hệ thống phù hợp chất lượng này cho các bên có liên quan trong quốc gia sử dụng chai chứa khí.

3.1.3. Mục đích của tiêu chuẩn này là cơ quan có thẩm quyền trong quốc gia sử dụng chai chứa khí i chấp nhận việc nạp, vận chuyển, sử dụng và nạp lại các chai chứa khí đã được cấp chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của hệ thống phù hợp chất lượng với điều kiện là tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đã được quốc gia này phê chuẩn.

3.1.4. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện dựa trên các lý do hợp lý, tiêu chuẩn đang áp dụng của chai chứa khí hoặc hệ thống phù hợp chất lượng chưa được tuân theo hoặc phát hiện chai chứa khí có thể gây ra nguy hiểm đối với an toàn nơi công cộng thì phải có các hành động kịp thời để đảm bảo an toàn. Các cơ quan có thẩm quyền phải xác định các hành động được yêu cầu để làm cho các chai chứa khí này có thể chấp nhận được. Các chai chứa khí này có thể được giữ lại, loại bỏ, tái xuất, kiểm tra lại hoặc được xử lý theo cách khác do Cơ quan có thẩm quyền quy định.

3.1.5. Cơ quan có thẩm quyền phải giữ thẩm quyền của mình, nhưng cũng có thể ủy thác toàn bộ hoặc một phần chức năng của mình theo hệ thống phù hợp chất lượng này cho một cơ quan đủ điều kiện được lựa chọn

3.1.6. Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền, phải:

– Có sự hiểu biết về các tiêu chuẩn chai chứa khí có liên quan;

– Có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có năng lực kỹ thuật và tay nghề thành thạo để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong giám sát và quản lý;

– Khi tiến hành các hoạt động kiểm tra và thử nghiệm của mình phải bảo đảm rằng các hoạt động này phù hợp với các quy định được cho trong 3.2 và 3.4 đối với cơ quan kiểm tra và các phòng thử nghiệm;

– Không yêu cầu có các thử nghiệm bổ sung và các kết quả của các thử nghiệm không cần vượt quá kết quả quy định trong tiêu chuẩn, trừ trường hợp nhận thấy nguy cơ rủi ro cao;

– Phê chuẩn các cơ quan kiểm tra và lập danh mục các cơ quan đã được phê duyệt hiện có và dấu nhận dạng của các cơ quan đó;

CHÚ THÍCH: Trong một số quốc gia, hoạt động này do một cơ quan chứng nhận thực hiện có thể sử dụng ISO/IEC TR 17010 làm hướng dẫn.

– Bảo đảm độ tin cậy của các hoạt động thương mại và đăng ký độc quyền của các cơ quan kiểm tra và nhà sản xuất;

– Cung cấp một hệ thống nhận diện nhà sản xuất cho mỗi chai chứa khí;

– Bảo đảm hoạt động trên nguyên tắc công bằng.

3.2. Cơ quan kiểm tra

3.2.1. Cơ quan kiểm tra phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan chứng nhận phê chuẩn, nếu được áp dụng, là một đơn vị kiểm định chai chứa khí.

Cơ quan kiểm tra có thể là một bộ phận gắn liền với cơ quan có thẩm quyền hoặc là một cơ quan tách biệt ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Cơ quan kiểm tra phải nộp hồ sơ xin phê duyệt tới cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan chứng nhận, nếu được áp dụng, của quốc gia sản xuất chai chứa khí. Hồ sơ xin phê duyệt phải bao gồm thông tin chi tiết và đầy đủ về tổ chức của cơ quan kiểm tra, đội ngũ cán bộ, hệ thống chất lượng được lập thành văn bản, năng lượng kỹ thuật, các phương pháp và quy trình kiểm tra, hồ sơ và biên bản, tính tin cậy và an toàn có liên quan đến kiểm tra các chai chứa khí và/hoặc hệ thống chất lượng của nhà sản xuất.

Cơ quan kiểm tra có thể sử dụng phòng thử nghiệm của nhà sản xuất hoặc phòng thử nghiệm được nhà sản xuất lựa chọn.

Cơ quan kiểm tra có thể được ủy thác một số chức năng phù hợp với 5.1.

3.2.2. Các yêu cầu chung đối với một cơ quan kiểm tra như sau:

– Có một đội ngũ cán bộ, với một cấu trúc về tổ chức, có khả năng, thẩm quyền và tay nghề thành thạo để thực hiện tốt chức năng của mình;

– Tiếp cận được các phương tiện và thiết bị thích hợp và đầy đủ;

– Hoạt động một cách công bằng và không chịu bất cứ ảnh hưởng nào có thể ngăn cản hoạt động của mình;

– Bảo đảm độ tin cậy của các hoạt động thương mại và đăng ký độc quyền của nhà sản xuất và các cơ quan khác;

– Duy trì sự phân ranh giới rõ ràng giữa chức năng thực tế của cơ quan kiểm tra và các chức năng không có liên quan;

– Vận hành hệ thống chất lượng đã được lập thành tài liệu;

– Bảo đảm cho các thử nghiệm và kiểm tra quy định có liên quan đến các tiêu chuẩn chai chứa khí được thực hiện;

– Lưu giữ hệ thống hồ sơ và biên bản thích hợp và có hiệu lực phù hợp với Điều 6;

– Yêu cầu phải có chỉ dẫn được viết thành văn bản và được chấp nhận trước khi cung cấp các dịch vụ cho khách hàng;

– Cung cấp dấu nhận dạng đã được đăng ký của các dịch vụ cho Cơ quan có thẩm quyền.

CHÚ THÍCH: Có thể sử dụng ISO/IEC 17020:1998 hoặc ISO Guide 65:1996 làm tài liệu hướng dẫn.

3.2.3. Các dịch vụ mà nhà sản xuất yêu cầu đối với cơ quan kiểm tra trong phê duyệt kiểu thiết kế, thử nghiệm và kiểm tra chai chứa khí trong sản xuất và cấp chứng chỉ để xác minh sự phù hợp với tiêu chuẩn chai chứa khí có liên quan (xem các Điều 4 và 5).

3.3. Nhà sản xuất chai chứa khí

3.3.1. Nhà sản xuất phải vận hành hệ thống chất lượng đã được lập thành tài liệu phù hợp với 4.4.

3.3.2. Nhà sản xuất phải xin phê duyệt kiểu thiết kế phù hợp với Điều 4.

3.3.3. Nhà sản xuất phải lựa chọn một cơ quan kiểm tra từ danh mục các cơ quan kiểm tra đã được phê duyệt do cơ quan có thẩm quyền lưu giữ.

3.3.4. Nhà sản xuất có thể sử dụng phòng thử nghiệm riêng của mình hoặc lựa chọn một phòng thử nghiệm đã được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3.3.5. Nhà sản xuất phải lưu giữ các hồ sơ phù hợp với Điều 6.

3.4. Phòng thử nghiệm

3.4.1. Phòng thử nghiệm hoặc chức năng mà phòng thử nghiệm thực hiện là một phần gắn liền của nhà sản xuất, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan kiểm tra hoặc một cơ quan tách biệt ở trong nước hoặc ở nước ngoài. Các dịch vụ khác của phòng thử nghiệm, ngoài các dịch vụ do nhà sản xuất lựa chọn, có thể được yêu cầu trong trường hợp cơ quan kiểm định nhận thấy khả năng thử nghiệm là không đầy đủ.

3.4.2. Các yêu cầu chung đối với một phòng thử nghiệm như sau:

– Có một đội ngũ cán bộ, với một cơ cấu tổ chức đủ về số lượng, có khả năng, thẩm quyền và tay nghề thành thạo để thực hiện các thử nghiệm;

– Có các phương tiện, thiết bị thích hợp và đầy đủ để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ kỹ thuật;

– Lập và ghi được báo cáo thích hợp và chuyển bản sao cho các cơ quan kiểm tra và nhà sản xuất;

– Bảo đảm sử dụng các thiết bị đo và thử nghiệm chính xác suốt từ lúc ban đầu và các thiết bị này được hiệu chuẩn định kỳ theo mức độ yêu cầu;

– Bảo đảm rằng môi trường mà trong đó tiến hành các thử nghiệm không làm mất hiệu lực của các kết quả thử hoặc không gây ảnh hưởng bất lợi đến độ chính xác yêu cầu của phép đo;

– Yêu cầu phải có đơn đặt hàng bằng văn bản và được chấp nhận trước khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

CHÚ THÍCH: Có thể sử dụng ISO/IEC 17025 làm tài liệu hướng dẫn.

4. Quá trình phê duyệt

4.1. Sơ đồ quá trình phê duyệt

Quá trình phê duyệt đối với nhà sản xuất các chai chứa khí phải gồm có các bước sau:

– Đơn xin phê duyệt kiểu thiết kế ban đầu (4.2);

– Đơn xin phê duyệt kiểu thiết kế tiếp sau (4.3) nếu theo sau phê duyệt kiểu thiết kế ban đầu;

– Các thủ tục của hệ thống chất lượng (4.4);

– Các thủ tục phê duyệt kiểu thiết kế (4.5).

4.2. Đơn xin phê duyệt kiểu thiết kế ban đầu

4.2.1. Phê duyệt kiểu thiết kế ban đầu gồm có phê duyệt hệ thống chất lượng của nhà sản xuất và phê duyệt thiết kế chai chứa khí được sản xuất. Đơn xin phê duyệt kiểu thiết kế ban đầu bao gồm các yêu cầu của 4.2, 4.4 và 4.5.

4.2.2. Nhà sản xuất mong muốn chế tạo các chai chứa khí phù hợp với tiêu chuẩn chai chứa khí phải có đơn xin, nhận được và lưu giữ chứng chỉ phê duyệt kiểu thiết kế do cơ quan có thẩm quyền trong quốc gia sản xuất chai chứa khí phát hành cho ít nhất là một kiểu thiết kế chai chứa khí phù hợp với thủ tục được cho trong 4.2.3. Theo yêu cầu, văn bản phê duyệt phải được đệ trình cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sử dụng chai.

4.2.3. Nhà sản xuất phải làm đơn xin phê duyệt gửi cho Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia sản xuất chai chứa khí và đơn xin phê duyệt phải bao gồm:

– Tên và địa chỉ đăng ký của nhà sản xuất và ngoài ra, nếu đơn xin được đệ trình bởi đại diện có thẩm quyền của nhà sản xuất, thì phải có tên và địa chỉ của người đại diện này;

– Địa chỉ của xưởng sản xuất (nếu khác với địa chỉ nêu trên);

– Tên và chức danh của người chịu trách nhiệm về hệ thống chất lượng;

– Ký hiệu của chai chứa khí và tiêu chuẩn của chai chứa khí có liên quan.

CHÚ THÍCH: Các tiêu chí để xác định kiểu thiết kế được cung cấp trong tiêu chuẩn chai chứa khí đang áp dụng.

Xem tiếp: Chai chứa khí – hệ thống phù hợp chất lượng quốc tế – quy tắc cơ bản - phần 2

Sưu tầm và biên soạn bởi: https://honto.vn

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước Chai chứa khí – hệ thống phù hợp chất lượng quốc tế – quy tắc cơ bản - phần 2

Chai chứa khí – hệ thống phù hợp chất lượng quốc tế – quy tắc cơ bản - phần 2

Bài viết tiếp theo

Van thông hơi

Van thông hơi
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call