Vinalines 'đại hạ giá' tàu cũ
17/8/2017
Công ty cổ phần Bán đấu giá tài sản Việt Nam vừa triển khai kế hoạch bán đấu giá tàu Vinalines Trader thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với giá khởi điểm 64,3 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,83 triệu USD.
Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và các chi phí thực tế đối với lượng nhiên liệu, thực phẩm còn lại trên tàu tại thời điểm bàn giao tài sản cho đơn vị trúng đấu giá. Ngoài ra, mọi chi phí liên quan như tháo dỡ và di chuyển, phí giám định, phí công chứng, chuyển quyền sở hữu… cũng do đơn vị trúng đấu giá chịu.
Đây là đợt bán đấu giá thứ hai trong năm nay của Vinalines Trader. Trước đó, con tàu này được rao giá 97 tỷ đồng trong phiên đấu giá đầu tiên tổ chức vào giữa tháng 6 nhưng không đơn vị nào đặt mua. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tàu có thiết kế lạc hậu, tình trạng kỹ thuật kém và chi phí sửa chữa lớn.
Vinalines Trader đóng năm 1997 tại Nhật Bản.
Vinalines Trader được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mua vào cuối tháng 9/2010 với giá hơn 541 tỷ đồng, hiện giao cho Công ty Vận tải biển Vinalines quản lý và khai thác. Giá trị còn lại tại thời điểm kết thúc quý II năm nay xấp xỉ 106 tỷ đồng.
Nguồn cung tàu tăng mạnh khiến sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong khi nhu cầu vận tải suy giảm, nhất là tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc kéo chỉ số cho thuê tàu hàng khô (BDI) xuống thấp. Ước tính chỉ số cho thuê tàu hàng khô trong thời gian khai thác của Vinalines Trader dao động quanh mức 1.000-1.500 điểm, tức khoảng một phần ba mức trung bình tại thời điểm lập dự án mua tàu.
Trong trường hợp Vinalines Trader tiếp tục được khai thác đến năm 2019 thì chi phí duy tu và bảo dưỡng rất lớn, mặt khác tàu sẽ không bảo đảm an toàn hàng hải và khai thác. Khi đó, ước đoán thua lỗ có thể lên gần 100 tỷ đồng.
Dù không bảo đảm thu hồi vốn đầu tư, nhưng Tổng công ty nhận định việc bán đấu giá Vinalines Trader là cấp thiết nhằm tái cơ cấu đội tàu và cắt lỗ do hoạt động không hiệu quả. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hồi tháng 5. Đồng thời, cho thấy nỗ lực của Tổng công ty trong việc cải thiện tình hình tài chính nhằm thu hút nhà đầu tư khi tiến hành cổ phần hoá vào cuối năm nay.
Năm nay, Tổng công ty được giao nhiệm vụ kết nối với các chủ hàng lớn, tập trung vào thị trường hàng hoá xuất nhập khẩu và nội địa thông qua việc tham gia đấu thầu các dự án vận chuyển hàng hoá của ngành thép, xi măng, nhiệt điện… nhằm đảm bảo chỉ tiêu doanh thu 2.769 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính dự kiến đóng góp 1.362 tỷ đồng, phần còn lại đến từ doanh thu tài chính và thu nhập khác. Lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 92 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm (2016-2020), Vinalines sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển đang nắm giữ ở những vị trí chiến lược đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba miền, giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia. Đồng thời, tập trung quản lý, khai thác và phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế có tiềm lực để trở thành các cảng biển tầm cỡ khu vực, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực.
NGUỒN: HONTO sưu tầm từ internet./.