'Ông hoàng sá xị' Chương Dương chật vật tìm lại ánh hào quang

Sudo Ecommerce Tác giả Sudo Ecommerce 06/09/2024 10 phút đọc

8/9/2017

Sáu tháng đầu năm, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (mã CK: SCD) ghi nhận 153 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cũng giảm 24 tỷ so với báo cáo tài chính tự lập trước đó mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc nhà phân phối không thanh toán đúng hạn như cam kết.

Do không thể gồng gánh chi phí bán hàng tăng mạnh, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ niêm yết trên sàn chứng khoán, “ông hoàng sá xị” Chương Dương báo lỗ sau thuế hơn 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi xấp xỉ 14 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, tại báo cáo soát xét bán niên vừa được công bố, phía kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng nếu áp dụng chuẩn mực kế toán thì công ty phải trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc cho nhân viên ước tính tại thời điểm kết thúc quý II năm nay là 9 tỷ đồng, đồng nghĩa lợi nhuận chưa phân phối sẽ giảm thêm một khoản tương ứng.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 494 tỷ đồng và 38 tỷ đồng trên cơ sở tổng sản lượng tiêu thụ đạt 38,8 triệu lít, trong đó nước giải khát dạng lon đóng góp hơn 78%. Nếu không xuất hiện nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính thì nhiều khả năng mục tiêu này không kịp hoàn thành trong giai đoạn cuối năm, bởi công ty đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất.

Chuong-Duong-1-500x333_0

Chương Dương ngày càng đuối sức trước các đối thủ lớn trong và ngoài nước.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, Chương Dương vẫn đang vật lộn với công nghệ cũ từ những năm 2000 nên chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường về việc sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Điển hình như năm ngoái, công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do máy móc thiết bị chưa đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo thông báo tại đại hội cổ đông vào cuối tháng 5, công ty đã ngưng dòng sản phẩm này đến khi dự án nhà máy mới ở huyện Củ Chi (TP HCM) được phê duyệt thì mới tính đến việc phát triển trở lại. Tổng chi phí đầu tư của dự án này ước tính vào khoảng 400 tỷ đồng, một phần lấy từ nguồn vốn tự có và một phần từ chuyển nhượng bất động sản thuộc quyền sở hữu của công ty. Phần còn lại khoảng 100 tỷ đồng sẽ có kế hoạch huy động bên ngoài. Tuy nhiên, thời điểm triển khai dự án hiện vẫn còn bỏ ngỏ bởi “nếu muốn đầu tư máy móc thiết bị phải làm theo quy trình, xin chủ trương và được Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn phê duyệt thì mới thực hiện”.

Từ khi niêm yết đến nay, vốn góp chủ sở hữu của công ty vẫn giữ nguyên ở mức 85 tỷ đồng. Lợi nhuận hàng năm phần lớn dành để chia cổ tức vượt kế hoạch khiến ngân sách dành cho bán hàng và tiếp thị rất hạn chế so với những doanh nghiệp cùng ngành. Hiện công ty ưu tiên dồn nguồn lực vào sản phẩm thế mạnh là sá xị nên thiếu chi phí quảng bá cho các sản phẩm mới, dẫn đến hiệu quả luôn không như mong đợi.

Ngoài yếu tố nội tại thì áp lực cạnh tranh thị phần với những “đại gia” trong ngành nước giải khát như Pepsi, Coca-Cola hay những cái tên mới tham gia thị trường như URC (Philippines), Masan… khiến tình hình kinh doanh của công ty thêm khó khăn. Số liệu của nhiều hãng nghiên cứu thị trường cho thấy, ngành nước giải khát Việt Nam vẫn tăng trưởng cao với mức bình quân từ 8-12% một năm nên nguồn vốn từ doanh nghiệp ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào. Theo phân tích của ban lãnh đạo công ty, các hãng nước giải khát nước ngoài thường xuyên đưa ra chiến lược cạnh tranh giảm giá bán để chèn ép doanh nghiệp nội địa. Năm 2016, công ty phải giảm giá bán 4,5% để cạnh tranh với sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, kéo theo doanh thu chỉ hoàn thành 89% kế hoạch đề ra.

Thế mạnh lâu nay của Chương Dương là nước giải khát có gas, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị. Tuy nhiên, trước tình trạng ngày càng thất thế trên thị trường, thương hiệu từng một thời là niềm tự hào của người dân miền Nam đang có những bước chuẩn bị cho việc thoái lui để nhường sân chơi về tay những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và dây chuyền sản xuất hiện đại.

Trong chiến lược kinh doanh mới, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm không gas và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với thị trường trong nước và khu vực. Danh mục sản phẩm của công ty đang xuất hiện thêm nhiều chủng loại nước giải khát trái cây như mãng cầu, nha đam, bạc hà… Điều này phần nào phù hợp với dự báo của Bộ Công Thương về thị trường nước ép trái cây rau quả sẽ tăng trưởng bình quân 15% một năm và đạt hơn 6 tỷ lít trong năm nay.

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương.    

Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004 và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM sau đó hai năm. Hiện, công ty có hơn 400 đại lý phân phối và hàng nghìn điểm bán hàng tập trung chủ yếu tại khu vực TP HCM và các tỉnh miền Tây. Công ty đang tập trung xây dựng lại chính sách bán hàng nhằm thu hút các nhà phân phối khu vực khác để giảm gánh nặng sản lượng cho thị trường truyền thống và tránh tình trạng mất cân đối hệ thống đại lý giữa các vùng miền.

NGUỒN: HONTO sưu tầm từ internet./.

Sudo Ecommerce
Tác giả Sudo Ecommerce Admin
Bài viết trước Tập đoàn hoá chất ngập trong khối nợ nghìn tỷ

Tập đoàn hoá chất ngập trong khối nợ nghìn tỷ

Bài viết tiếp theo

Van 150

Van 150
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Call